Các nhà thiên văn học cho biết họ vừa phát hiện hơi nước trong bầu khí quyển của một hành tinh khổng lồ bên ngoài Hệ mặt trời. Hơi nước được phát hiện trên hành tinh HD 189733b, nhờ kính viễn vọng hồng ngoại Spitzer của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Đây là lần thứ hai nước được phát hiện trên một hành tinh bên ngoài Hệ mặt trời. Trước đó, ngày 10-4, các nhà thiên văn học thông báo lần đầu tiên họ đã tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của nước trên một hành tinh bên ngoài Hệ mặt trời – hành tinh HD 209458b.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể nước có mặt trên tất cả các hành tinh khí, những hành tinh giống sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên vương và sao Hải vương trong Hệ mặt trời.
HD 189733b quay quanh một ngôi sao thuộc chòm sao Vulpecula, cách Mặt trời 64 năm ánh sáng. Mặc dù trên HD 189733b có thể có nước, hành tinh này vẫn quá nóng để sự sống có thể tồn tại. Nó bay rất gần ngôi sao mẹ, gần hơn khoảng cách giữa Trái đất – Mặt trời đến 30 lần, với cái nóng như thiêu đốt vào ban ngày và được xem là một “sao Mộc nóng” (chỉ khoảng 50 trong số 200 hành tinh được biết ngoài hệ Mặt trời là “sao Mộc nóng”).
HD 189733b bay rất gần ngôi sao mẹ (Ảnh: NASA)
Kính viễn vọng hồng ngoại Spitzer của NASA (Ảnh: Wikimedia)
TƯỜNG VY
Theo BBC, Tuổi trẻ