Phát hiện hoóc môn giới tính người trong cây

Các nhà khoa học Mỹ tuyên bố họ tìm thấy progesterone, hoóc môn giới tính nữ có chức năng duy trì sự phát triển của thai nhi, trong thực vật.

Progesterone tồn tại trong cây óc chó. Ảnh: crocus.co.uk.

Từ trước tới nay các nhà khoa học đều cho rằng chỉ có động vật mới có thể tạo ra progesterone. Là một hoóc môn được tiết ra bởi buồng trứng, progesterone giúp tử cung chuẩn bị cho việc mang thai và duy trì thai nghén. Progestin, một dạng tổng hợp của progesterone, được sử dụng trong thuốc ngừa thai và các dược phẩm khác.

Science Daily cho biết, Guido F. Pauli – một tiến sĩ của Đại học Dược, thành phố Chicago, Mỹ – cùng các đồng nghiệp sử dụng máy cộng hưởng từ hạt nhân và máy quang phổ cỡ lớn để tìm kiếm progesterone trong lá của cây óc chó thông thường và cây óc chó Anh.

Ngày 7/2, nhóm nghiên cứu tuyên bố progesterone thực sự tồn tại trong lá óc chó. Pauli cho rằng phát hiện này có ý nghĩa to lớn.

“Trong khi vai trò của progesterone đã và đang được nghiên cứu rất nhiều ở động vật thì việc nó hầu như không được tìm thấy ở thực vật là điều dễ hiểu”, Pauli phát biểu

Nhóm nghiên cứu cho rằng progesterone – giống như các hoóc môn steroid khác – có thể là một nhân tố kiểm soát đã tiến hóa cách đây hàng tỷ năm trước khi động vật và thực vật xuất hiện trên quả đất. Khám phá mới có thể thay đổi nhận thức về quá trình tiến hóa và chức năng của progesterone trong sinh vật.

Trước đây, các nhà khoa học đã xác định được một dạng vật chất giống progesterone ở thực vật và cho rằng bản thân của hoóc môn này có thể tồn tại ở thực vật. Nhưng tới nay họ vẫn chưa thật sự tìm ra nó. Ngoài progesterone trong lá của cây óc chó, nhóm Pauli cũng tìm ra 5 loại steroid có liên quan đến progesterone trong một loài thực vật thuộc họ mao lương hoa vàng.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Natural Products của Hiệp hội Hóa học Mỹ.

 

Theo VnExpress