Mới đây, sau nhiều nghiên cứu và thống kê trên quy mô toàn cầu, các nhà địa chất học đã đưa ra lời khẳng định về ngọn lửa “trường thọ” nhất thế giới. Đó là ngọn lửa ngầm cháy âm ỉ ở Australia trong suốt 5.500 năm.
Ngọn lửa ngầm trên được “nuôi dưỡng” tại núi Wingen (trong ngôn ngữ thổ dân có nghĩa là lửa), cách Sydney 224km về phía Bắc. Tại đây, sâu xuống khoảng 27m phía dưới bề mặt núi Wingen, các nhà khoa học phát hiện một lớp vỉa than đá hóa thạch với trữ lượng lớn. Chính mỏ than này đã và đang nuôi dưỡng ngọn lửa ngầm cháy âm ỉ hơn hàng ngàn năm nay!
Theo các nhà địa chất học, ngọn lửa ngầm như thế này không cháy thành đám lớn mà chỉ tích tụ trong thời gian dài, giống như đun bếp củi vậy. Chúng sẽ bùng lên khi có tác động của thiên nhiên (sấm sét) hoặc do con người cố tình châm lửa vào. Thực tế, trên thế giới có rất nhiều ngọn lửa ngầm giống như ở núi Wingen, tuy nhiên tuổi thọ tới hàng ngàn năm tuổi mà chưa tắt thì chỉ có ở đây.
Khói than bốc lên từ ngọn lửa cháy âm ỉ dưới lòng đất
Ngược dòng lịch sử, ta thấy thực ra ngọn lửa này đã được phát hiện cách đây rất lâu, từ năm 1828. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, dân du mục Australia cho rằng Wingen chỉ là một ngọn núi lửa bình thường. Thậm chí từ thời thượng cổ, tổ tiên con người cũng đã từng tới đây để chế tạo công cụ lao động, nấu nướng nhờ sức nóng tỏa ra từ các khe núi.
Ngày nay, ngày càng có nhiều du khách kéo tới ngọn núi này để tham quan và chiêm ngưỡng ngọn lửa tồn tại lâu nhất trên hành tinh. Tờ Australian Traveler mô tả khung cảnh ở đây như sau: “Không khí xung quanh có mùi lưu huỳnh cháy khét. Bạn có thể cảm thấy sức nóng rất lớn từ ngọn lửa phía dưới lòng đất. Nếu nhìn ngắm những con đại bàng bay lượn xung quanh những lớp khói màu xám nhạt bốc lên, bạn sẽ có cảm giác mình đang được đứng giữa thiên nhiên khi Trái Đất mới hình thành”.
Thảm thực vật và sự sống tiêu điều, hoang sơ xung quanh khu vực ngọn lửa
Tuy nhiên, theo trang web Atlas Obscura, ngọn núi này cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực: “Sức nóng gây ảnh hưởng khủng khiếp tới thực vật ở khu vực xung quanh. Những nơi đã bị lửa cháy qua chỉ còn lại đất đá cằn cỗi, và không có bất kỳ dấu hiệu của sinh vật nào tại đây”.
Phóng viên môi trường Andrew Revkin của tờ New York Times cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo anh, những ngọn lửa âm ỉ này rất có hại cho môi trường khi thải ra hàng tỉ tấn CO2 hàng năm, trở thành một nguyên nhân chính tạo hiệu ứng nhà kính.