Phát hiện những phân tử cần thiết cho sự sống quanh một ngôi sao siêu khổng lồ

Các nhà thiên văn Mỹ thuộc Trường Đại học Arizona đã phát hiện khoảng 20 phân tử với những thành phần cần thiết cho sự sống trong môi trường quay quanh ngôi sao siêu khổng lồ VY Canis Majoris.

Họ đã quan sát môi trường giàu oxy này nhờ một trong các kính viễn vọng nhạy cảm nhất thế giới.

VY Canis Majoris là một trong những thiên thể thuộc vùng tia hồng ngoại sáng chói nhất bầu trời. Đây là một ngôi sao cổ cách Trái Đất khoảng 5.000 năm ánh sáng. Nó có độ sáng gấp 500.000 lần Mặt Trời nhưng chỉ sáng trong vùng tia hồng ngoại vì đây là một ngôi sao lạnh.

Ngôi sao siêu khổng lồ này có khối lượng gấp 25 lần Mặt Trời nhưng lại giảm khối lượng nhanh đến nổi trong vòng 1 triệu năm sau sẽ biến mất.

Giáo sư Lucy Ziurys và các cộng sự thuộc Trường Đại học Arizona đã công bố trên tạp chí Nature việc phát hiện khoảng 20 hợp chất hóa học xung quanh VY Canis Majoris, trong đó có những phân tử chưa từng được phát hiện xung quanh các ngôi sao và cần thiết cho sự sống như NaCl, PN, HNC và HCO+.

V.S

 

Theo Techno-Science, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh