Một quần thể hang dơi sâu thăm thẳm với nhiều bí ẩn vừa được phát hiện ở Khu du lịch – di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh quốc gia cụm thác Dray Sáp – Gia Long, tỉnh Đắk Nông.
Trong một lần đi tuần tra bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sáp (BQLRĐDCQ) thuộc xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô đã phát hiện một quần thể hang dơi ở tiểu khu 1246 còn rất hoang sơ, chưa ai đủ sức vào sâu để khám phá.
Theo chân cán bộ kiểm lâm của Ban, chúng tôi lội rừng hơn 2 giờ. Các hang động này là nơi trú ngụ của rất nhiều dơi, đứng cách miệng hang chừng 20m đã nhận ra mùi nồng của phân dơi. Hiện tại, chưa ai biết trong hang có những gì, sâu bao nhiêu km và dẫn đến đâu.
Theo nhiều người dân, những hang dơi này đã có từ rất lâu nhưng không ai dám vào vì sợ rắn rết, trăn tinh hay thú dữ ăn thịt. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể hang thông ra sông Sêrêpôk.
Anh Trần Xuân Quang, cán bộ kiểm lâm BQLRĐDCQ kể: Tại khu vực này, chúng tôi đã phát hiện có khoảng 5 đến 6 hang dơi, hang nào cũng có rất nhiều ngóc ngách khó đi. Tôi đã cùng một người Nhật chuyên nghiên cứu về hang động, đi sâu vào hang khoảng 2 giờ đồng hồ, chưa thấy đâu là đích cuối cùng của hang nên đành bỏ cuộc trở ra. Đến nay, có lẽ chưa ai vào sâu hơn.
Khác với những hang dơi ở Quảng Bình và các tỉnh phía Bắc, quần thể hang dơi này không nằm trong lòng núi mà lại chìm dưới lòng đất, dưới những cánh rừng nguyên sinh nên rất ẩm thấp. Miệng hang rộng từ 3 đến 10m, xung quang miệng hang, vòm và lối vào hang là những khối đá granit, tổ ong nằm chông chênh, có đoạn phẳng lì. Vào sâu chừng 20m, hang tối đen như mực, không nhìn thấy được lối đi và khi chúng tôi thử hú to thì không nghe tiếng vọng.
Anh Hà Công Tụng phán đoán: Do đặc trưng rừng nguyên sinh bao quanh có nhiều trăn, rắn rết, thú dữ, hang lạ lại thường tích tụ khí độc nên không ai dám mạo hiểm vào. Muốn khám phá, tìm hiểu, cần phải có các chuyên gia về hang động, các phương tiện hiện đại hỗ trợ.
Một chuyên gia thủy điện hồi tưởng: Cách đây hơn 20 năm tỉnh Đắk Lắk từng khuyến khích triển khai dự án khảo sát, xây dựng một nhà máy thủy điện tại thác Gia Long nhằm mục đích cung cấp điện cho huyện Krông Nô. Những người tiên phong thực hiện dự án khi đó phát hiện một số hang dơi. Họ cũng không vào sâu trong hang được nhưng đã cân nhắc khả năng hệ thống hang sẽ làm thất thoát nguồn nước cần tích lại để phát điện. Sau đó, vì đường dây 500 KV được xây dựng chạy qua khu vực này, nên dự án ngưng luôn không khởi công nữa.
Theo Bee