Sử dụng kính thiên văn Hubble và Chandra X-ray, các nhà thiên văn học Mỹ đã phát hiện thấy một thiên hà đông đúc và chật chội với mật độ “dân số” vượt xa dải Ngân hà của chúng ta.
Theo trang web khoa học Phys.org, nhóm chuyên gia Mỹ cho biết thiên hà M60-UCD1 nằm cách trái đất khoảng 54 triệu năm ánh sáng. Điều đặc biệt của thiên hà này là 50% khối lượng của nó tập trung trong một vùng không gian chỉ kéo dài 80 năm ánh sáng.
Thiên hà M60-UCD1 (chấm sáng nhỏ trong hình vuông) nằm cạnh thiên hà khổng lồ NGC 4649 – (Ảnh: Phys.org)
Có nghĩa là mật độ các ngôi sao trong thiên hà M60-UCD1 cao gấp 15.000 lần so với dải Ngân hà và khoảng cách giữa các ngôi sao tại thiên hà này gần gấp 25 lần so với các ngôi sao trong dải Ngân hà.
“Di chuyển từ ngôi sao này đến ngôi sao kia trong thiên hà M60-UCD1 nhanh hơn nhiều so với thiên hà của chúng ta bởi các ngôi sao ở rất gần nhau” – nhà khoa học Jay Strader thuộc ĐH Michigan State cho biết.
Nhà khoa học Anil Seth thuộc ĐH Utah khẳng định thiên hà M60-UCD1 rất giàu các nguyên tố nặng. “Sự hiện diện của các nguyên tố nặng trong thiên hà này biến nó trở thành một môi trường rất phù hợp cho sự hình thành và phát triển của các hành tinh cũng như sự sống” – chuyên gia Seth cho biết.
Các nhà thiên văn học ước tính thiên hà M60-UCD1 hình thành từ khoảng 10 tỉ năm về trước.
Theo Tuổi Trẻ