Các nhà thiên văn học Mỹ mới đây đã phát hiện một thiên hà “siêu mắn”, nơi sản sinh ra khoảng 740 ngôi sao mới mỗi năm. Số lượng sao mà thiên hà này “đẻ” trong một ngày còn gấp hai lần số sao mà dải Ngân hà của chúng ta cho ra đời trong một năm.
Hình ảnh minh họa do NASA cung cấp về thiên hà “siêu mắn”.
Sử dụng kính viễn vọng Chandra X-Ray của NASA, nhóm nghiên cứu do nhà thiên văn học Michael McDonald, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, dẫn đầu đã phát hiện ra thiên hà nói trên, nằm cách chúng khoảng 5,7 tỉ năm ánh sáng. Thiên hà khổng lồ này nằm ở trung tâm của một cụm thiên hà mới được phát hiện và là thiên hà “mắn” nhất loại này từng được biết.
Theo nhà thiên văn học Ryan Foley, người tham gia nghiên cứu nói trên, thì ở những dạng thiên hà khác, như các thiên hà đang va đụng, có thể sản sinh ra các ngôi sao mới với tốc độ lớn hơn. Tuy nhiên, một thiên hà ở dạng này, với kích cỡ và tuổi như thiên hà mới phát hiện thông thường không sản sinh ra các ngôi sao với tốc độ nhanh như vậy.
Thiên hà nói trên hiện chưa được đặt tên, có kích cỡ gấp khoảng 3 ngàn tỉ kích thước của Mặt Trời và đang ở giai đoạn khá “trưởng thành” với khoảng 6 tỉ năm tuổi.
Nhà thiên văn học Megan Donahue, thuộc trường đại học Michigan, nhận xét, phát hiện nói trên giúp giới khoa học trả lời được câu hỏi căn bản: làm thế nào các thiên hà hình thành ra các ngôi sao. Theo giải thích của ông McDonald, có nhiều khí hydro cực nóng giữa các thiên hà, và khi chất khí đó lạnh xuống dưới 0 độ, nó có thể hình thành nên các ngôi sao. Tuy nhiên, chỉ 10% lượng khí trong vũ trụ được chuyển biến thành các ngôi sao do năng lượng từ các hố đen ở trung tâm của các thiên hà làm trung hòa quá trình giảm nhiệt.
Tham khảo: Daily Mail
Theo Baotintuc, Daily mail