Nghe thật kỳ lạ nhưng ý tưởng chế tạo “toilet khẩn cấp” có thể là một trong những sáng kiến đơn giản và quan trọng nhất tại Nhật Bản đầu năm 2015, bởi nó gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của mỗi con người.
Toilet khẩn cấp – Phát minh mới của nữ sinh Nhật Bản
Trên toàn thế giới, mỗi ngày qua đi có hàng triệu ý tưởng được ấp ủ chỉ chờ đợi được thực hiện để trở thành phát minh tuyệt vời. Nhật Bản là một trong số những quốc gia có tinh thần đổi mới như vậy khi không ngừng làm cả thế giới ngạc nhiên trước những phát minh có ích cho nhân loại.
Năm 2011, sau thảm họa động đất sóng thần Tohoku, Công ty Excelsior của Nhật đã đưa ra một giải pháp vệ sinh cho người dân trong điều kiện thiếu nước sinh hoạt – “Ho!Toilet” – bao gồm một chiếc túi màu xanh và các viên thuốc hòa tan khử mùi bên trong. Để bảo đảm sự riêng tư cá nhân, bộ sản phẩm này đi kèm một chiếc áo choàng poncho (áo có khoét lỗ để chui người vào) màu đen.
Kể từ đó, phát minh “nhà vệ sinh cầm tay” của Nhật Bản đã có những tiến bộ mới, trong đó phải nhắc tới ý tưởng chế tạo toilet khẩn cấp của các học sinh trung học ở đất nước Mặt trời mọc mới đây.
Tham gia các tiết học ứng phó thiên tai tại trường học, hai học sinh trường công Awa ở quận Tokushima, Hikari Abe và Keina Nijo, 16 tuổi, hiểu được điều kiện vệ sinh thiếu thốn trong các trung tâm cứu nạn sau thảm họa 2011 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Đó là sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, trong khi một số người bị mất nước do ngại uống nước sẽ phải đi toilet.
Hai nữ sinh Hikari Abe (trái) và Keina Nijo bên thiết kế “toilet khẩn cấp” của mình
Ngoài ra, cảnh tượng phải dùng nhà vệ sinh bệt nếu toilet giật nước tại trường không thể sử dụng khi thảm họa xảy ra cũng khiến các nữ sinh cảm thấy ngại ngùng. Từ đó, nhóm nữ sinh đã phát triển ý tưởng chế tạo “toilet khẩn cấp”.
Ngày 25/3 vừa qua, tại thành phố Sendai từng bị thảm họa động đất tàn phá, nơi từng diễn ra Hội nghị giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, các nhà nghiên cứu trẻ tuổi đã nộp bản thiết kế “toilet khẩn cấp”.
“Toilet khẩn cấp” làm bằng bìa cứng có ưu điểm nhẹ, thời gian lắp ráp nhanh chóng và có thể sử dụng cho người lớn. Thiết kế toilet bìa cứng theo kiểu ngồi của phương Tây giúp người tàn tật hay người già – những đối tượng gặp khó khăn khi sử dụng toilet bệt, lựa chọn duy nhất khi thảm họa xảy ra – cảm thấy thoải mái.
Ayaka Horinouchi, 17 tuổi, học sinh trường trung học Meguro Seibi Gakuen ở Tokyo, nói về chiếc “toilet khẩn cấp” mà em và nhóm bạn thiết kế: “Nó có kích cỡ nhỏ và thiết kế dễ thương, có thể để gọn trong túi và khiến người sử dụng cảm thấy thoải mái”.
Nhóm phát minh trẻ kết hợp các sản phẩm sẵn có với sự cho phép của các nhà sản xuất: Một tấm hút nước trong một chiếc túi nhựa thấm dung dịch nước thải, biến thành một loại gel, bao quanh là chiếc túi bên ngoài làm từ những bọc chất khử mùi để ngăn chặn mùi khó chịu bay ra ngoài.
Nhóm nữ sinh có rất nhiều ý tưởng trong giai đoạn phát triển sản phẩm. Các em còn tranh luận liệu có thể kết nối đèn với toilet, hay một chiếc loa có tiếng giật nước, tác phong nhã nhặn ở nhiều toilet dành cho phụ nữ ở Nhật Bản.
Shiori Uenami, 17 tuổi, thành viên của nhóm thiết kế, cho biết cô bé muốn tiếp tục phát triển những ý tưởng chuẩn bị cho tương lai trong trường hợp xảy ra thảm họa. Trong khi đó, cô bé Abe chia sẻ: “Đảo Shikoku cũng có thể sẽ xảy ra động đất, và chúng cháu hy vọng những chiếc “toilet khẩn cấp” có thể hữu ích khi đó”, Abe nói.
Atsushi Kato, Giám đốc đại diện của Tổ chức nghiên cứu Toilet Labo phi lợi nhuận tại Nhật Bản hoan nghênh những đóng góp của thế hệ trẻ, đồng thời cho rằng có thể nhân rộng mô hình “toilet khẩn cấp” để chuẩn bị sẵn sàng cung cấp đủ toilet cho người dân sử dụng nếu thảm họa xảy ra.
“So với nước và lương thực, những chiếc toilet thường bị bỏ qua khi tính đến các biện pháp phòng bị trước thảm họa, nhưng thực chất chúng lại là phương tiện thiết yếu trong cuộc sống con người”, ông Kato nói.
Theo Báo Tin Tức