Phát triển thành công phương thức mở khóa điện thoại… bằng trái tim

Các nhà nghiên cứu đến từ đại học Buffalo của Mỹ đã phát triển thành công một công cụ sinh trắc học mới cho phép quét trái tim để mở khóa điện thoại hoặc máy tính.

Hầu hết các phương pháp bảo mật sinh trắc học hiện nay đều gặp phải một bất tiện, đó là người dùng phải chủ động kích hoạt để đăng nhập. Tuy nhiên với phương pháp sinh trắc học mới sử dụng nhịp tim, bạn có thể mở khóa thụ động, chỉ bằng cách đặt ngón tay lên một miếng đệm.


Hệ thống Cardiac Scan sử dụng chính hình dạng, kích thước trái tim để làm căn cứ định danh.

Theo báo The Register, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một hệ thống xác thực có tên Cardiac Scan sử dụng chính hình dạng, kích thước trái tim để làm căn cứ định danh. Nhóm nghiên cứu thuộc đại học Buffalo của Mỹ hy vọng, công nghệ mới này sẽ sớm thay thế mật khẩu và dấu vân tay truyền thống.

Phương pháp mới ứng dụng máy đo nhịp tim để xác định hình dạng và kích thước trái tim. Hệ thống máy đo chỉ cần mất 8 giây để xác định hình dạng và nhịp tim. Sau đó, hệ thống sẽ liên tục theo dõi tình trạng hoạt động của tim. Điều này có nghĩa nếu một người khác ngồi trước thiết bị, hệ thống sẽ tự động khóa hoặc đăng xuất tài khoản.


Công suất sóng phát ra từ máy quét khá thấp nên không hề ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.

Khoảng cách tối đa theo dõi nhịp tim có thể lên tới 30 mét. Đây là điều kiện tuyệt vời để ứng dụng Cardiac Scan tại bộ phận an ninh của sân bay

Tác giả chính của nghiên cứu, Wenyao Xu, trợ lý giáo sư tại đại học Buffalo chia sẻ, công suất sóng phát ra từ máy quét khá thấp nên không hề ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.

Wenyao Xu cũng khẳng định, do con người không hề có trái tim giống nhau nên sự thay đổi về kích thước và vị trí sẽ giúp máy quét xác thực được danh tính của mỗi người. Hơn nữa, nhịp tim liên quan đến nhiều chức năng sinh học nên rất khó giả mạo hoặc ẩn giấu trong một cơ thể sống.

Xu tin tưởng, công nghệ có thể ứng dụng trên mọi máy tính hoặc smartphone nhằm tăng cường khả năng bảo mật cho người dùng.


Máy quét sẽ chỉ hoạt động khi tim bạn còn đập.

Để kiểm tra máy quét, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên 78 người. Kết quả xác thực người dùng đạt độ chính xác lên tới 98,61%, tỷ lệ lỗi chỉ khoảng 4,42%. Những người thử nghiệm phải ngồi lặng yên hoàn toàn trước máy quét khoảng 1 mét trong suốt quá trình kiểm tra. Chuyển động cơ thể và tiếng ồn có thể gây ảnh hưởng tới độ chính xác của máy quét. Thậm chí, hệ thống sẽ không hoạt do chuyển động cơ thể quá mạnh.

Bộ cảm biến trong Cardiac Scan hoạt động ở tần số 2.4GHz tới 5kHz, cùng tần số với Wi-Fi và Bluetooth. Tuy nhiên nhóm khẳng định, tín hiệu chuyển động phát ra từ tim không hề bị gián đoạn.

Đây là một ý tưởng sinh trắc học khá táo bạo và hữu dụng. Bởi lẽ, máy quét sẽ chỉ hoạt động khi tim bạn còn đập, và trái tim là thứ khó lòng đánh cắp hơn so với dấu vân tay.

Được biết, các nhà nghiên cứu đã mất tới 3 năm để phát triển Cardiac Scan. Nhóm dự kiến sẽ giới thiệu công nghệ này tại Mobicom – Hội nghị quốc tế về Điện toán và Mạng di động vào tháng 10 tới tại bang Utah, Mỹ.

 

Theo vnreview