Phụ nữ thầm lặng hi sinh trong mỗi gia đình
Khởi nguồn cho những tranh luận này đến từ một video quảng cáo nói về sự tự tin tiến bước của người phụ nữ trong gia đình. Những người phụ nữ đã quen với những công việc không tên thường ngày, chấp nhận đó như một lẽ đương nhiên và bỗng một ngày chợt nhận ra mình cần có những thay đổi, bắt đầu bằng những bước tiến nhỏ trong cuộc sống để trở nên hạnh phúc hơn.
Đáp lại những ý kiến đánh giá chưa đúng mức về sự cống hiến và hy sinh của người phụ nữ, trong một bài viết của mình đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ: “Chưa ở đâu người ta dựng tượng một nhà thơ, rồi bên cạnh đó dựng tượng người phụ nữ đã giặt đồ cho nhà thơ ấy”, Lê Hoàng “bất bình” thay cho một nửa thế giới.
Lê Hoàng cho rằng, “đàn ông luôn tự hào là nhờ có họ, nhân loại đã tiến những bước dài vào khoa học, vào nghệ thuật hay vào tương lai”. Nhưng hầu hết họ đều bước ra từ một gia đình, hành trình của họ luôn bắt đầu bằng bước lùi hi sinh của người phụ nữ.
Vả lại “chưa có một thống kê nào kể ra, bao nhiêu lần bát đĩa phải rửa, bao nhiêu lần thức ăn phải nấu, bao nhiêu quần áo được giặt để phục vụ cho vĩ nhân sáng tạo ra những tác phẩm hùng tráng đó. Cứ như là bát đũa tự nhiên bóng loáng lên, thức ăn tự nhiên nấu chín và quần áo tự nhiên sạch sẽ thơm phức chờ ông ấy mặc vào”.
Đã đến lúc tự tin tiến bước, xóa bỏ nghịch lý
Nghịch lý sẽ vẫn tiếp diễn nếu phụ nữ vẫn chấp nhận hy sinh. Theo như Lê Hoàng đã chia sẻ:” Thôi cũng được đi. Đa số phụ nữ chấp nhận hy sinh. Đa số phụ nữ bao nhiêu năm qua đã làm việc nhà một cách âm thầm, lặng lẽ.”
Bản thân đạo diễn biết rằng, “lỗi” không phải do đàn ông 100% mà “tại anh, tại ả, tại cả đôi đường”. Họ chấp nhận làm việc lặng lẽ, chấp nhận giấu đi những đam mê, cảm xúc, nhu cầu của mình để tập trung cho gia đình. Nhưng họ quên mất rằng, gia đình của họ, chồng con của họ chỉ có thể tiến lên cùng với họ.