Áp-xe não là sự tạo mủ trong nhu mô não, bệnh hiếm gặp nhưng tỷ lệ tử vong rất cao hoặc để lại di chứng rất nặng nề, tuy nhiên nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong cũng như mức độ di chứng. Áp-xe não hay gặp ở trẻ em và nam giới trẻ (30 – 45 tuổi), người suy giảm miễn dịch.
-
1
Nguyên nhân và triệu chứng
Áp-xe não là biến chứng của những tổn thương viêm nhiễm vùng lân cận như viêm xoang; viêm tai xương chũm; áp-xe răng; viêm nhiễm vùng mặt, da đầu; bệnh lý tim mạch… Ngoài ra có thể gặp sau chấn thương sọ não hở, sau phẫu thuật…
Bệnh thường diễn biến từ từ trong đại đa số các trường hợp, một số ít tiến triển đột ngột. Bệnh nổi bật với 3 hội chứng sau:
Hội chứng nhiễm trùng: sốt thường cao 39 – 40C, sốt thường xuất hiện khi áp-xe ở giai đoạn lan tỏa, lúc áp-xe khu trú thường ít sốt. Bệnh nhân thường chán ăn, gầy nhanh, môi khô, lưỡi bẩn.
Hội chứng tăng áp lực nội sọ: nhức đầu thường âm ỉ, lan tỏa, cuối cùng khu trú ở vùng tương ứng ổ áp-xe, nhức đầu tăng về đêm và khi thay đổi tư thế, nhức đầu tăng khi gõ vào vùng tương ứng ổ áp-xe, buồn nôn và nôn, nôn dễ dàng, nôn vọt (không liên quan đến ăn uống). Khi áp lực sọ não càng tăng, bệnh nhân nôn càng nhiều và ý thức càng xấu. Phù gai thị (thường xuất hiện muộn). Mạch chậm, tinh thần chậm chạp, lú lẫn, hôn mê.
Hội chứng thần kinh khu trú: liệt nửa người trong trường hợp áp-xe một bên bán cầu; liệt tứ chi trong trường hợp áp-xe hai bên bán cầu; liệt dây thần kinh sọ não (dây VII ngoại biên), chóng mặt… tùy thuộc vị trí tổn thương. Cơn động kinh cục bộ chiếm khoảng 25 – 35%.
Hình ảnh áp-xe não.
-
2
Điều trị thế nào?
Thái độ điều trị phụ thuộc vào vị trí, kích thước cũng như số lượng ổ áp-xe và tình trạng của người bệnh. Phương pháp điều trị bao gồm điều trị nội khoa đơn thuần hoặc kết hợp với điều trị ngoại khoa, điều trị đường vào (điều trị bệnh nguyên).
Điều trị nội khoa đơn thuần trong đại đa số các trường hợp, bao gồm: thuốc kháng sinh phải lựa chọn những thuốc có thể khuếch tán dễ dàng qua hàng rào máu não vào nhu mô não, dùng liều cao và kéo dài vài tuần đồng thời dựa vào kết quả kháng sinh đồ. Thông thường có thể sử dụng cephalosporin thế hệ 3 hoặc 4 phối hợp với pefloxacine (hoặc trimethoprime 320mg, sulfamethoxazole 1.200mg) và metronidazol. Theo trường phái Mỹ có thể dùng cephalosporin thế hệ 3 phối hợp với thiophenicol tiêm tĩnh mạch chậm.
Thuốc chống phù não như mannitol, corticoid, lợi tiểu, thở ôxy.
Thuốc kháng động kinh: benzodiazepine, valproad de sodium, phenobarbital, trong trường hợp có cơn động kinh.
Điều trị phối hợp: chăm sóc, chế độ ăn uống hợp lý, nâng thể trạng…
Theo trường phái Mỹ, điều trị phối hợp giữa một cephalosporine thế hệ 3 với thiophénicol (1g tiêm tĩnh mạch chậm cách nhau 6 giờ). Nếu áp-xe não do phế cầu thì dùng ceftriaxone hoặc vancomycine là sự lựa chọn hàng đầu. Nếu do vi khuẩn gram âm, cephalosporin thế hệ 3 phối hợp với một aminoside. Đối với liên cầu B, ampicilline là sự lựa chọn số một, còn đối với listeria nhạy cảm với ampicilline phối hợp với triméthoprime – sulfamethoxazole. Trong trường hợp do tụ cầu, khuyên dùng flucloxacilline hoặc vancomycine.
Trong quá trình điều trị cần chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não kiểm tra sau mỗi 3 – 4 ngày cho đến khi triệu chứng lâm sàng được cải thiện, điều trị nội khoa qua đường tiêm sau chuyển sang đường uống trong vòng ít nhất 6 tuần tới khi bệnh nhân hết sốt, triệu chứng thần kinh ổn định, xét nghiệm công thức máu và tốc độ máu lắng về bình thường, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ bình thường.
Điều trị ngoại khoa phối hợp bao gồm chọc hút ổ áp-xe, dẫn lưu và loại bỏ hoàn toàn ổ áp-xe. Chỉ phẫu thuật ngoại khoa trong trường hợp ổ áp-xe duy nhất, kích thước lớn 3cm và nằm nông, trường hợp ổ áp-xe trong sâu nên chọc hút.
-
3