Polime “sạch” làm từ… cáu rượu!

Chế tạo nhựa polime từ cáu (cặn) rượu sau quá trình làm rượu… Các nhà khoa học thừa nhận, sáng chế này có tính kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường. Thế nhưng đây lại là sáng chế của một nhóm sinh viên.

Một nhóm sinh viên trường Đại học bang Oregon (OSU) đã chế tạo một loại polyme thân thiện với môi trường bằng cách trộn các thứ phẩm từ quy trình làm rượu và sản xuất diesel sinh học. Đó là các sinh viên Christen Glarborg, Patrick O’Connor, Heather Paris and Alana Warner-Tuhy.

Họ đã chế tạo một chất liệu mới từ axit cáu rượu, một thứ phẩm trong công nghiệp sản xuất rượu và glycerin trong công nghệ sản xuất diesel sinh học. Khi trộn chúng lại với nhau, những thành phần này có thể tạo ra chất polyme bọt cứng – theo H. Paris, thành viên trong nhóm.

Từ trái qua phải: Christen Glarborg, Patrick O’Connor, Heather Paris and Alana Warner-Tuhy (Ảnh: ScienceDaily/Cory Reed)

Còn P. O’Connor, một thành viên khác trong nhóm thuật lại quá trình đi đến sáng chế: “Thoạt tiên, vật liệu mới này bị rữa ra ở trong nước. Sau đó, Tiến sỹ Hackleman đã gợi ý cho chúng tôi thử đúc nó thành một cái khay giống như những chiếc khay bọt bán trong siêu thị”.

Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm ban đầu của họ chỉ là một khối chất cứng giống như thể kẹo đường bị nấu quá lâu đến nỗi bị dính chặt và bạn phải quẳng cái nồi đi.

Những nhà nghiên cứu trẻ tuổi này đã kiên trì cho đến khi họ có thể chế tạo ra một chất keo có thể sử dụng theo ý muốn. Họ đã quyết định trộn thêm các thứ phẩm khác như mùn cưa và họ đã tạo ra được một chất liệu có thể đúc nặn được mặc dầu còn hơi dính. Vì vậy họ cho nó vào trong lửa để xem nó có rắn chắc lên không và họ đã thành công. Dường như chúng có thể trở thành những tấm gỗ ép cho các ngôi nhà “xanh”.

“Sau đó chúng tôi thấy polyme của chúng tôi bốc hơi ở 6000C”, Paris nói. “Vì vậy chúng tôi cũng nghĩ tới việc chế tạo những viên hay thanh củi không tro”.

David Hackleman, Chủ tịch cơ quan Linus Pauling thuộc trường Đại học kỹ thuật bang Oregon (OSU) nhận xét, quy trình sản xuất loại sản phẩm mới này rất độc đáo và có tiềm năng kinh tế. Hơn thế nữa, nó còn tận dụng được cả glycerin, một phó phẩm trong quá trình sản xuất diesel sinh học.

Nhóm sinh viên đã đăng ký bản quyền sáng chế. Vật liệu mới mà họ tạo ra có thể thay thế bọt polixetiren ở trong nhiều loại sản phẩm, từ những chiếc khay đựng thức ăn cho tới các bàn ghế, gỗ ép, củi đốt , các vật cách điện và thậm chí là gel xịt tóc.

Nhóm đã giành được danh hiệu “Best Chemical Engineering Project” – công trình kỹ thuật hoá học xuất sắc nhất và đứng đầu bảng “People’s Choice Award” – Giải Lựa chọn của đại chúng tại cuộc triển lãm kỹ thuật hàng năm được tổ chức lần thứ tám của trường Đại học bang Oregon (OSU).

Hiện tại những nhà sáng chế trẻ này đang thử nghiệm và chế lọc loại polime này để tăng cường tính ưu việt của chúng.

Hằng Minh

 

Theo Nguồn Softpedia News, Science Daily, VNN