Một khối cầu khí khổng lồ mang tên Đám mây Smith sẽ va chạm với dải Ngân Hà ở tốc độ lên tới 1,1 triệu km/h.
Các nhà khoa học trong dự án Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dự đoán Đám mây Smith sẽ đâm vào vành ngoài dải Ngân Hà sau 30 triệu năm nữa, Motherboard hôm 9/10 đưa tin.
Được nhà thiên văn học vô tuyến Gail Smith phát hiện lần đầu tiên năm 1963, Đám mây Smith có chiều dài 11.000 năm ánh sáng và chiều rộng 2.500 năm ánh sáng, đang di chuyển về phía dải Ngân Hà với tốc độ 1.126.540km/h.
Đồ họa mô phỏng Đám mây Smith màu đỏ va vào vành ngoài dải Ngân Hà sau 30 triệu năm nữa. (Ảnh: NASA).
Nhóm nghiên cứu cho rằng thiên thể tạo thành chủ yếu từ khí hydro này bị đẩy ra khỏi dải Ngân Hà cách đây khoảng 70 triệu năm, khi loài khủng long còn lang thang trên Trái Đất. Kết luận dựa trên quan sát chính xác từ các thiết bị như kính viễn vọng không gian Hubble. Những quan sát cho thấy đám mây chứa nhiều dấu vết của kim loại nặng như khí lưu huỳnh với mật độ tương tự đĩa bụi ở vành ngoài dải Ngân Hà.
Đám mây Smith nhiều khả năng có nguồn gốc từ chính dải Ngân Hà. Tuy nhiên, giới nghiên cứu chưa tìm ra cơ chế khiến đám mây bị văng khỏi quỹ đạo của thiên hà hàng chục triệu năm về trước. Đám mây Smith có thể sẽ va vào cánh tay xoắn Perseus ở phía ngoài thiên hà, tạo ra một màn pháo hoa rực rỡ trong vũ trụ. Đám mây Smith chứa nguyên liệu thô đủ để tạo ra hai triệu ngôi sao mới giống Mặt Trời sau khi bị dải Ngân Hà hấp thụ.
Sự bùng phát năng lượng trong quá trình hình thành sao xảy ra cách Trái Đất hàng nghìn năm ánh sáng nên chắc chắn không gây nguy hiểm cho sự sống trên hành tinh. “Đám mây là ví dụ chỉ ra thiên hà thay đổi như thế nào theo thời gian. Nó cho chúng ta biết dải Ngân Hà là một nơi đang hoạt động mạnh, trong đó một quả cầu khí có thể văng ra ở vị trí này của đĩa bụi và nhập trở lại vào chỗ khác”, Andrew Fox, nhà thiên văn làm việc tại Viện Khoa học Kính viễn vọng vũ trụ ở Maryland, Mỹ, cho biết.
Theo VnExpress