Các nữ thái giám trước khi bị đưa vào cung phải trải qua một quá trình “tịnh thân” đầy ghê rợn và phức tạp hơn rất nhiều so với các nam thái giám.
Chúng ta đều đã quá quen thuộc với hình ảnh của những nam thái giám trong cung đình Trung Hoa xưa với nhiều chức vụ cố định như hỗ trợ hoàng tộc hay cai quản các công việc trong cung… Thậm chí, một số vị thái giám còn có quyền lực rất riêng, có khả năng làm xáo trộn cung cấm, như An Đức Hải, Lý Liên Anh – những vị thái giám dưới thời nhà Thanh đã được sử sách và một số bộ phim khắc hoạ khá chi tiết.
Qua những ghi chép lịch sử và một số tác phẩm nghệ thuật, có thể thấy các thái giám đều chiếm một vị trí rất nổi bật trong chốn hậu cung, khiến cho nhiều người lầm tưởng ở trong cung, ngoài Vua và các Hoàng tử, thái giám ra, thì chỉ còn các nữ nhân là cung phi và nô tì. Tuy nhiên, họ không biết rằng ở chốn “tôn nghiêm, bất khả xâm phạm” ấy còn có một nhân vật khác có thân phận vừa bí ẩn lại vừa thảm khốc, đó là những nữ thái giám, hay còn được gọi là các nữ quan.
Nữ thái giám là nhân vật bí ẩn hàng đầu trong lịch sử Trung Hoa phong kiến. (Ảnh minh họa).
Nữ thái giám đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử Trung Hoa phong kiến
Với một quốc gia ngay từ thời cổ đại đã luôn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, việc đưa những người phụ nữ vào cung để “tịnh thân” làm quan có lẽ là một điều ngoại lệ và khó hiểu bậc nhất lịch sử Trung Hoa. Vậy ở trong cung họ nắm giữ chức vụ cụ thể gì, có quyền lực như thế nào và có khả năng chi phối chốn hậu cung thâm hiểm như các hoạn quan hay không?
Kỳ thực, nữ thái giám đã xuất hiện từ rất sớm trong các triều đại Trung Hoa xưa. Sử sách nước này có ghi lại một vài nhân vật nổi tiếng như: tài nữ Ban Chiêu đời Hán, Lâm Diệu Ngọc đời Tống, Tiết Đào đời đường và Vạn Quý Nhi đời Minh.
Việc những người phụ nữ được đưa vào cung để “tịnh thân” làm quan có lẽ là điều ngoại lệ và khó hiểu bậc nhất lịch sử Trung Hoa. (Ảnh minh họa).
Thậm chí, trong quy định về chế độ quan chức đời Chu cách đây 3.000 năm đã có ghi chép về nữ quan. Cuốn sách “Chu lễ, Thiên quan” cũng có mục “Nữ lại”, trong đó ghi rõ: Nữ lại là chức lễ chủ quản vương hậu, nắm nội trị, nội chính trong cung. Nhà Chu đặt ra 8 chức nữ quan. Đến đời Hán có tổng cộng gần 200 nữ quan.
Khác với những cung tần, mỹ nữ được đưa vào cung nhằm mục đích duy trì nòi giống Hoàng tộc, các nữ quan chẳng những “không được phép” đẹp mà đa số còn là những người phụ nữ đã đứng tuổi, sống cô đơn không lập gia đình.
Nhiệm vụ của nữ thái giám trong cung
Nhiệm vụ của họ rất phức tạp, mà cũng có thể nói là tạp nham. Từ việc nắm giữ các loại vân ấn, ghi chép lại lịch trình làm việc, cho tới việc quản lý đời sống phòng the chốn hậu cung, xem xét và báo cáo tình hình thai nghén của các phi tần.
Công việc của các nữ thái giám trong cung rất phức tạp, nhưng đa số là quản lý đời sống tình dục chốn hậu cung. (Ảnh minh họa).
Những nữ thái giám bị ép phải “tịnh thân” với một mục đích duy nhất là đảm bảo họ không thể có thai và sinh con được nữa. Tuy nhiên, việc “đảm bảo” này không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ là chỉ cần uống thuốc vô sinh giống trong các bộ phim mô tả về cuộc chiến tranh sủng chốn hậu cung. Những nữ thái giám sẽ phải trải qua một quá trình “tịnh thân” đau đớn và ghê rợn hơn nhiều so với các nam thái giám.
Những nữ thái giám sẽ phải trải qua một quá trình “tịnh thân” đau đớn và ghê rợn. (Ảnh minh họa).
Nữ thái giám có quyền lực như các nam thái giám trong cung hay không?
Các nữ thái giám thường chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và hầu như không nhúng tay vào các vấn đề chính sự, cũng như việc tranh giành sủng ái nơi hậu cung như các nam thái giám. Vì vậy, họ được Hoàng thượng coi là phương án tối ưu để giải quyết những sự xáo trộn chốn cung cấm.
Tuy nhiên, khi nữ thái giám nổi lòng tham, họ có thể cấu kết với các nam thái giám để tác oai tác quái và khiến cung đình dậy sóng. Sử sách Trung Hoa cũng có ghi chép về những vụ án động trời mà kẻ chủ mưu đứng đằng sau chính là nữ thái giám được Hoàng thượng hết lòng tin tưởng.
Sử sách từng ghi chép về những vụ án động trời mà kẻ chủ mưu đứng đằng sau là nữ thái giám được Hoàng thượng hết lòng tin tưởng. (Ảnh minh họa).
Như vụ án thời nhà Minh, có nàng Công chúa sau khi lấy chồng phải vào sống trong phủ riêng được gọi là Thập Vương phủ, và nơi đây được Hoàng thượng giao cho một nữ thái giám cai quản. Nếu không có lời truyền gọi của vị nữ thái giám này thì Phò mã sống bên ngoài khó lòng được vào thăm Công chúa.
Vì thế, Phò mã phải hối lộ cho nữ thái giám rất nhiều tiền bạc để có thể ngày đêm ở bên vợ mình. Tuy nhiên, lòng tham của nữ thái giám ngày càng lớn, khiến cho Phò mã không thể đáp ứng nổi. Sau đó, Phò mã đã bị cấm túc khỏi Công chúa rồi sinh bệnh thần kinh mà chết. Công chúa cũng vì vậy mà chịu cảnh góa bụa cả đời.
Nhưng dẫu có những biến cố được ghi chép lại về các nữ thái giám ghê gớm, việc một người đàn bà bình thường phải trải qua quá trình “tịnh thân” đầy đau đớn để trở thành người phục vụ cho Hoàng cung cũng thật đáng thương.