Quảng Ninh bất ngờ hứng tâm bão Haiyan

Đổ vào đất liền lúc 2h30 sáng nay, Haiyan trở thành cơn bão mạnh nhất từng ghi nhận ở Quảng Ninh. Hiện chưa có thống kê thiệt hại nào về người và tài sản.

Vào lúc 4h sáng nay, Haiyan đã chườm 1/3 lên đất liền và 2/3 còn trên biển. Cường độ, sức gió dù đã giảm nhiều so với cảnh báo ban đầu, song khi đổ vào bờ biển Hải Phòng, Quảng Ninh cường độ gió bão vẫn mạnh tới 117km.

Theo dự báo, trong 2 tiếng tiếp theo, với vận tốc 25km mỗi giờ, tâm bão sẽ nằm trọn trong đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Với sự thay đổi liên tục về hướng đi của tâm bão trong 2 ngày qua, thay vì đổ vào miền Trung, tâm bão Haiyan bất ngờ đổ vào Quảng Ninh và Hải Phòng. 16h chiều qua, tại cuộc họp khẩn cấp của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, 2 tỉnh này mới được xác định là điểm đến chính của tâm bão.

Tại Quảng Ninh, suốt nhiều giờ qua, mưa lớn và gió giật hoành hành trên nhiều địa bàn của tỉnh. Tính đến 4h30 sáng nay, thống kê của văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ghi nhận một số thiệt hại ban đầu về tài sản, và chưa có thiệt hại nào về người. tại TP Hạ Long gió giật cấp 10. Lán trại của công nhân xây dựng ga tàu cảng Cái Lân bị tốc mái, nhiều nhà dân bị tốc mái. Ở TP Cẩm Phả, gió tạm ngớt, mưa vừa, điện mất. Tuy nhiên, tại huyện Vân Đồn, mưa vẫn rất to khiến 9 nhà bị tốc mái. Thông tin liên lạc trên đảo đã bị gián đoạn.

TP Móng Cái đang có gió giật mạnh. Lãnh đạo tỉnh vẫn thường trực chỉ đạo ứng phó với cơn bão. Thêm nhiều địa bàn của Quảng Ninh bị mất điện.

Tại Hải Phòng, mưa to và gió giật rất mạnh. May mắn là do đang trong lúc triều thấp nên không có các đợt sóng mạnh tấn công vào bờ. Ở khu vực nội thành, nhiều cây xanh bị đổ gãy, biển quảng cáo bị bay. Lực lượng quản lý đô thị tại đây đã kịp thời thu gom không gây mất an toàn giao thông. Công nhân trạm bơm cũng được điều động túc trực suốt đêm để tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng. Các khu nhà tập thể xuống cấp cũng được các lực lượng phòng chống bão chằng chống, chống sập. Người dân tại đây được sơ tán đến nơi an toàn.

Trung tâm thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải vẫn mất điện trên diện rộng. 3 ngư dân bị mắc cạn ở khu vực Gò Đông quận Hải An vẫn giữ liên lạc với đất liền và trong ngày hôm nay bộ đội biên phòng sẽ đưa ngư dân vào bờ.

Ông Đào Minh Đông, phó chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vỹ cho biết, sáng nay gió liên tục giật mạnh cấp 13. “Đêm qua là đêm mất ngủ đối với quân dân ở đảo. Sóng to, gió lớn liên tục nhưng may mắn chưa có người thiệt mạng. Hiện gió vẫn mạnh”, ông Đông cho biết.

Hà Nội: mưa không quá lớn, nhưng gió vẫn tiếp tục giật với cường độ không suy giảm so với rạng sáng nay. Tại một số tuyến phố cây đổ chắn ngang đường, tuy nhiên lực lượng CSGT đã được huy động nhằm hạn chế việc ách tắc. Mực nước sông Hồng và sông Nhuệ đang dâng cao cộng với lượng mưa được cảnh báo sẽ lên tới 200mm khiến khoảng 20 điểm của thành phố có khả năng ngập úng cục bộ.

3h30: Tại Quảng Ninh: Mưa gió đang tiếp diễn với cường độ ngày càng mạnh. Nhiều công trình, cửa kính nứt vỡ. Thành phố Hạ Long cây cối gãy đổ hàng loạt, 12 nhà dân bị tốc mái, đường sụt lún, hệ thống thông tin liên lạc gián đoạn.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, lực lượng CSGT còn tham gia gọi loa, tuyên truyền người dân khẩn trương phòng chống bão 14, hạn chế tham gia giao thông ở các điểm có nguy cơ xảy ra ngập úng. (Ảnh: Tiền Phong)

Tại Bãi Cháy, Hạ Long, nơi xác định tâm của cơn bão khi đổ bộ đất liền đang có gió mạnh cấp 11, cây gẫy và đổ nhiều. Điện lực tỉnh đã cắt điện khu vực rộng gồm toàn bộ thành phố Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả. Tỉnh đã cấm các phương tiện đi lại trên khu vực cầu Bãi Cháy, đồng thời phân luồng đảm bảo trật tự vì có rất nhiều xe đang đậu kéo dài chờ lệnh để vượt cầu.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã cấm toàn bộ hoạt động lưu thông cầu Bãi Cháy, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), một cảnh sát trẻ đang làm nhiệm vụ cấm cầu Bãi Cháy cho biết mưa to gió lớn khiến nhiều người bị thổi ngã nên không thể đứng dưới lòng đường. “Tôi đang làm nhiệm vụ cấm cầu Bãi Cháy ngã 5 đây. Gió giật ngã luôn, tôi đang phải đứng bám vào thành ôtô”, người cảnh sát viết cho VnExpress.

Lo ngại nhất là tàu thuyền trên biển dù đã về nơi tránh trú nhưng cường độ bão hiện rất mạnh. Một số thuyền bè dứt neo, trôi ra ngoài khơi, trong khi công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn do sóng to, gió lớn.

Ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cho biết, hiện bão rất lớn ở Bãi Cháy và Cô Tô với sức gió giật cấp 13, Vân Đồn gió giật cấp 12, lượng mưa dưới 100mm. Hiện bão Haiyan đã đổ vào Quảng Ninh được khoảng hơn một tiếng.

Ông Hòa cho biết chưa xác nhận thiệt hại về người. “Đây là cơn bão mạnh chưa từng có trong nhiều năm qua, vì thế nhiều tàu thuyền bị đứt neo. Lực lượng chức năng chủ yếu liên hệ với ngư dân qua số điện thoại của họ để hướng dẫn họ chèo chống, trước khi chờ lực lượng cứu hộ ra“, ông nói.

Hải Phòng mưa ngày càng nặng hạt, gió giật mạnh. Ông Nguyễn Bá Tiến, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cho biết, địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản.

Tại Hải Phòng, gió giật cấp 12, mạnh hơn nhiều so với 1h trước. Độc giả Thanh Bình cho biết, tiếng loảng xoảng, tiếng như máy nổ vang lên khắp nơi. “Nhà mình rung lắc từng đợt, không biết có trụ nổi không nữa. 2 con đang ngủ ngon, nếu có chuyện xấu xảy ra thì tôi không biết sẽ làm thế nào nữa”.

Sau khi thị sát tại Hải Phòng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói sẽ thức cả đêm để cùng chống bão.

Một số tuyến đường trong nội đô Hải Phòng đã bắt đầu ngập nước. Ông Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên Phòng Hải Phòng cho biết, một tàu Trung Quốc bị hỏng máy trên biển và 3 ngư dân của Cát Hải đang mắc kẹt ở bãi bồi cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Ông Bùi Trung Nghĩa, Chỉ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, đang bàn biện pháp để cứu ba ngư dân này.

Về tàu Trung Quốc bị hỏng máy thả trôi trong tâm bão, lúc 2h45 ngày 11/11, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam cho biết, tàu Fu Cheng 22, Trung Quốc đang chạy vào gần bờ tránh bão Haiyan thì bị hỏng máy chính, hệ thống neo không hoạt động được, thời điểm báo nạn tàu đang thả trôi tại vị trí cách vịnh Lan Hạ khoảng 8,5 hải lý theo hướng đông nam từ đêm 10/11/2013. Sau khi tiếp nhận, hệ thống Đài duyên hải Việt Nam đã thông báo ngay tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương để triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Thượng tướng Bùi Quang Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã đôn đốc các tỉnh tập hợp lực lượng giảm thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra. Chiều 10/11, Bộ đã cấm đường toàn bộ khu vực quốc lộ 10, kiểm soát tàu.

Thái Bình, gió và mưa càng ngày càng mạnh hơn. Trên đường Hùng Vương, cây xanh bị gió quật gãy cành la liệt. Các biển quảng cáo bị đánh rách, khu hội chợ triển lãm trước UBND tỉnh bị đổ sập. Các khu vực xã Phú Khánh, Phường Phú Xuân, Quang Trung, Trần Hưng Đạo… bị cắt điện.

Anh Đỗ Thái Sơn cho biết, gió tại Tiền Hải đang ở cấp 8-9, nước biển đang dâng kết hợp với thuỷ triều đúng lúc có gió bão.

Tại Nam Định, bạn Thanh Chương nói với VnExpress: “Thật kinh khủng. Mưa gió ở thành phố mà thế này thì dân gần biển và tâm bão chịu sao nổi”. Anh cho biết, gió giật liên hồi với cường độ cực mạnh. Tiếng va đập, đổ vỡ vang lên liên tục.

Hà Nội đã xuất hiện mưa lớn nhưng chưa có hiện tượng ngập, gió rít từng hồi. Dù không bị mất điện song các con đường đều vắng người qua lại, thi thoảng có chiếc ô tô, xe tải hối hả lao đi trong mưa. Tiếng gió rít liên hồi được nghe thấy rõ khi có mặt trên các tòa nhà cao tầng. Lác đác trong các ngôi nhà, một số người dân vẫn ngồi trước màn hình để theo dõi diễn biến của bão Haiyan.

Nhiều phương tiện thô sơ không kịp thu dọn đã bị gió quật đổ. (Ảnh: Nguyên Anh)

Bạn đọc Tuấn Tú cho hay, dù mới chỉ là ảnh hưởng của bão nhưng hàng cây dưới nhà lúc vặn sang trái, khi sang phải. Gió giật một lúc, ngọn cây đứng thẳng, sau đó lại bị giật. “Nếu cứ tiếp tục, một vài tiếng nữa chắc chắn cây sẽ đổ khá nhiều”, Tú nói.

Bằng trực giác, Tú cảm nhận bão đang vào đất liền, vì theo anh, gió mạnh lên từng giờ nên bão sẽ không đi là là ven biển mà đâm trực diện vào Bắc bộ. “Tôi nhớ có câu nói về bão “khi gió ngừng thổi, điều tồi tệ nhất mới bắt đầu”. Năng lượng của Haiyan rất lớn, khi tan nó sẽ chơi nước bài cuối cùng là trút toàn bộ năng lượng còn lại và mưa xuống đất, mưa sẽ rất to và mạnh”, anh nói và nhắn nhủ bà con hãy cẩn thận, kê cao đồ vật trong nhà để chống bão.

Độc giả Mỹ Hưng thì tâm sự, dù được dự báo không nằm trong vùng nguy hiểm nhưng Hà Nội vẫn mưa lớn, gió dữ dội. Gió giật trên những mái tôn đùng đoàng, đồ dùng bị xê dịch đáng kể, cây cối oằn mình lắc lư. “Tôi không thể chợp mắt vì ngoài kia gió bão thật kinh khủng”, Hưng chia sẻ.

0h30 ngày 11/11, Haiyan đang đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng. Tại vùng biển Đồ Sơn gió rất lớn, cường độ mạnh, mưa nặng hạt. Vùng ven biển, sóng biển dâng lên rất cao. Lực lượng an ninh chắn khắp mọi ngả đường nghiêm cấm không để người dân ra ngoài.

Trước sức gió mỗi lúc một mạnh, bạn Quang Hải ở Đồ Sơn, Hải Phòng thốt lên: “Trời ơi, tôi đang cảm nhận rất rõ cơn bão này. Đây không phải bão bình thường nữa. Nó quá to. Đây là cơn bão từ bé tới giờ 23-24 năm rồi tôi mới thấy to như thế. Nhà gạch 2 tầng kiên cố mà gió bão như muốn kéo tất cả ra. Cây cối ở 2 bên đường đã nghiêng ngả đổ hết rồi! Nhà cao tầng mà còn rung chuyển mỗi đợt gió giật! Gió hiện giờ chắc chắn phải trên cấp 12”.

Dự báo đường đi bão Haiyan của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương.

Vừa có mặt tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng với chính quyền địa phương đang trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão. Theo ông Hải, tất cả tàu thuyền đã cập bến an toàn. Tàu thuyền của ngư dân ở tỉnh khác cũng tập trung hết về vùng biển Ngọc Hải, được chính quyền địa phương giúp đỡ. Hầu hết các ngư dân đã lên trú ẩn trên bờ, chỉ một vài người ở lại cùng với bộ đội, dân phòng, lực lượng bảo vệ trật tự trông coi tài sản.

Tại khu vực Thủy Nguyên, Hải Phòng giáp ranh với Quảng Ninh, bạn đọc tên Hiệp báo về tòa soạn: “Hiện gió rất to, cây cối nghiêng ngả. Chưa có hiện tượng mưa lớn nhưng gió thì rất to, điện đã bị cắt . Mong sao bão sớm qua đi. Tôi thấy sợ”.

Bạn Đức Dũng cung cấp thêm, gió giật dữ dội ở chân cầu Bính. “Cầu mong cho đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ quê tôi, nơi mà gần tâm bão đi qua bình an vô sự. Thương lắm quê hương ơi”.

Tại Thái Bình, nhiều cây cối đổ rạp xuống đường. (Ảnh: Đỗ Thái Sơn)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá: “Dù bão lớn hay nhỏ thì mỗi người dân Đồ Sơn đều có tinh thần chống bão rất cao. Tôi tin với tinh thần này, hậu quả sẽ được giảm bớt. Đêm nay tôi sẽ thức trắng đêm đối phó với bão”.

Tại Quảng Ninh, gió giật mạnh, mưa lớn. Anh Hải Ninh, đang chạy xe Innova dọc đường Hạ Long đã phải dừng xe. Điện thoại với VnExpress, anh cho biết, do gió thổi quá mạnh, nghĩ cố chạy nhanh về nhà nhưng khi chạy xe anh có cảm giác như xe sắp bị nhấc lên. “Tôi đã phải tạt xe vào lề đường tìm nơi khuất gió để đỗ xe”, anh Ninh cho hay.

Một độc giả từng công tác 2 năm ở Hạ Long cho hay, thành phố mưa rất to, gió rít từng hồi như muốn thổi tung tất cả . “Tôi chưa thấy lần nào bão to như lần này. Mong cơn bão chóng qua để cuộc sống bình yên lại cho chug tôi…cầu mong tổn thất sẽ không nặng nề như ở Philippin”.

Bạn Nguyễn Phương cho hay, 1h 11/11/2013 gió tại Tiên Yên giật liên hồi, rít khủng khiếp. “Không biết đến 5, 6 giờ sáng tâm bão mới vào thì khủng khiếp đến đâu, Nhiều người không kịp phòng chống. Đi mua xăng dầu chạy máy phát cũng khó; điện mất từ 19h ngày 10/11; cứ đà này chỉ còn đủ nhiên liệu chạy máy đến 08h00 ngày 11/11 là hết …Không nghĩ được tâm bão lại đổ trực tiếp đến Quảng Ninh”.

23h45, Huyện đảo Cô Tô có gió mạnh trên cấp 10, nhiều cột sóng lớn. Tại nhiều tuyến đường, hàng chục cây đổ gãy. Đảo Bạch Long Vỹ mưa xối xả.

Ông Nguyễn Khắc Hạnh, Phó bí thư Đảng ủy phường Ngọc Xuyên, Quận Đồ Sơn, Hải Phòng, cho biết, từ khoảng 19h30 gió bắt đầu mạnh kèm theo mưa. Các con đường đã bắt đầu ngập nhẹ. Khoảng 200 hộ dân của phường đã được di chuyển đến nơi an toàn, được lực lượng quân đội cung cấp chăn màn để ngủ.

Hàng trăm người dân ở Quảng yên, Quảng Ninh phải tìm nơi an toàn trú bão

Tại Hải Phòng, mưa to, gió đang mạnh dần và giật cấp 12, đường phố ít người qua lại. Một đoàn do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp xuống thị xã Đồ Sơn và lận cận để chỉ đạo phòng chống bão.

Hiện trên 13.000 lao động vào nơi tránh trú bão an toàn.Người dân tại một số khu tập thể cũ nát cũng đã được di chuyển ngay trong đêm đến nơi an toàn. Hiện một số nơi ở Hải Phòng mất điện.

Độc giả Mạnh Tùng chia sẻ: “Hạ Long, mưa nhỏ nhưng gió giật mạnh, cây cối nghiêng ngả, mất điện nữa chứ. Hy vọng ngoài biển ko có vấn đề gì xảy ra”.

Taị Nam Định: khu vực Giao Thủy, từ 19h, gió mạnh dần và giật trên cấp 6. Theo anh Hoàng Hải, một người dân địa phương thì bão chưa rõ rệt, tuy nhiên cả khu vực đã bị cắt điện. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Định, từ đêm nay, Nam Định có mưa từ 100-200mm, gió trong đất liền mạnh cấp 9. Trung tâm khuyến cáo cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 2-4m. Sức gió và lượng mưa ở Nam Định đang tăng lên đáng kể. Có thể hoàn lưu bão tác động mạnh hơn so với dự báo.

Tại Quảng Ninh, gió đã mạnh dần lên. Một số nơi gió giật liên hồi. Thành phố Hạ Long đã ban hành lệnh cấm các phương tiện lưu thông trên cầu Bãi Cháy. Tình trạng mất điện đã diễn ra ở một số phường thuộc thành phố Hạ Long.

Nhiều khu vực tôn công trường ngã rạp

Tại Quảng Yên, một trong những trọng điểm chống bão của tỉnh Quảng Ninh, chính quyền đã di dân tại chỗ hơn 4.000 người dân ở ba xã Liên Vị, Liên Hòa và Tiền Phong. Huyện cũng đã lên phương án di dời 30.000 người ở đảo Hà Nam và hơn 10.000 người ở vùng trũng lên cao để tránh nguy cơ bị nước biển dâng cao gây nguy hiểm tính mạng.

Tại thành phố Thái Bình, gió ngày càng mạnh. “Tôi ở trong nhà đóng kín cửa những vẫn nghe tiếng gió rít và nước mưa quật vào cửa sổ”, chị Thanh Huyền, trú tại xã Vũ Lạc (TPThái Bình) cho biết. Mặc dù từ sáng sớm nay, chính quyền địa phương đã phát loa nhắc nhở người dân chằng chống nhà cửa, đề phòng thiệt hại do bão gây ra, nhưng hiện tại, chị vẫn nghe thấy tiếng nhiều mảnh kim loại chà sát xuống lòng đường và va đập vào các vật cứng khác.

Xe quân đội vẫn ứng trực sẵn sàng cứu hộ. (Ảnh: Quân đội nhân dân)

Ở xã Vũ Lăng, Tiền Hải, bà Đỗ Thị Quế cho biết trời đang mưa to, gió giật cấp 9. “Nhà cửa của dân vùng này khá kiên cố nên cũng không phải vất vả chằng buộc chống bão”, bà Quế nói.

Từ Thái Bình, bạn đọc Quynhlan viết gửi về VnExpress: “Tuy ở trong trung tâm thành phố nhưng thấy gió rít liên hồi và giật rất mạnh. Mưa ít nhưng
gió rất to, thỉnh thoảng lại thấy ngoài đường có tiếng đổ vỡ, kinh khủng lắm, chưa lần bão nào mà lại không an lòng như lần này, không ngủ được”.

Ít nhất có 10 người thiệt mạng trong lúc phòng chống bão Haiyan. Trao đổi với PV tối 10/11, anh Hoàng Nghĩa Thư, trực ban Cứu hộ cứu nạn Bộ tư lệnh Quân khu 4 cho biết, toàn địa bàn 6 tỉnh đã có 6 người chết, trong đó Thừa Thiên Huế 2 người, Quảng Bình 1, Nghệ An 1và Hà Tĩnh 2 người.

Việc giằng chống nhà cửa trước bão tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người dân. (Ảnh: Trí Tín)

Ngoài số người thiệt mạng nói trên, địa bàn 6 tỉnh Bắc Trung Bộ thuộc quân khu 4 còn có 19 người bị thương khi chằng chống nhà cửa.

Trước đó, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết số người chết do bão Haiyan là 5 người (Quảng Nam 3 người, Quảng Ngãi 2 người).

Thiếu tướng Nhơn cho biết Sở chỉ huy tiền phương vẫn được duy trì hoạt động nhằm sẵn sàng ứng phó với lũ sau hoàn lưu bão.

 

Theo VNE