Còng lưng chẻ chít bắt sâu
Song, theo bà Thanh, việc chẻ chít bắt sâu rất mất công. Đặc biệt, trong quá trình chẻ phải cực kỳ cẩn thận bởi nếu không khéo léo rất dễ làm đứt, nát sâu, mất đi độ tươi ngon.
“Lúc mới đầu tiên chẻ chít khá luống cuống, mãi mới lấy được con sâu ra nhưng đến khi thuận tay rồi thì chẻ cũng nhanh hơn”, bà Thanh nói.
Đã rút được kinh nghiệm, bà chia sẻ: “Thông thường, người làm phải chẻ từ gốc chít. Sau khi mũi dao xuống được khoảng 1-1,5 cm thì tách đôi ngọn chít bằng tay. Nhưng phải lưu ý, nếu tách mạnh rất dễ bị gãy nên phải tách nhẹ nhàng và từ từ”.
Tiếc tiền, lại có thời gian rảnh rỗi nên bà Nguyễn Hương Phượng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng mua hơn 10 bó chít về chẻ, lấy sâu ngâm rượu cho chồng. Bà Phượng chia sẻ, để chẻ được hết 10 bó chít đó bà phải huy động 2 con dâu chẻ giúp cho nhanh. Ấy thế mà, để chẻ được gần 1 kg sâu tươi, 3 mẹ con bà cũng hết cả buổi chiều.
Bà Phượng cho biết, trước đó hồi còn nhỏ ở quê bà cũng từng đi bắt sâu chít. Tuy nhiên, nhiều năm qua không làm nên giờ chẻ rất lâu. Hơn nữa, tuổi già nên ngồi lâu rất dễ bị đau lưng. Gần 1 tiếng chẻ chít, bà Phượng phải đứng lên đi lại giải lao đến 4 lần.
Ngoài ra, bà Phượng cũng cho hay, việc chế biến sâu chít cũng khá cầu kỳ. Đầu tiên, sâu đã tách ra sẽ được thả vào chậu nước. Việc này sẽ giúp sâu nhả hết tạp chất trong cơ thể ra ngoài. Thời gian ngâm khoảng 2-3 tiếng. Sau đó, phải rửa sạch sâu qua 1 lần rượu nữa rồi đem sâu chít ngâm với rượu theo tỷ lệ 1 kg sâu tươi ngâm với 5 lít rượu.
Sâu chít được cho là có tác dụng bồi bổ, chữa bệnh. Vì vậy, ngoài ngâm rượu cho chồng, bà Phượng còn đem chiên giòn với lá chanh để làm thức ăn cho gia đình.
Thực chất, sâu chít là loại côn trùng, sống trong thân cây chít. Để biết cây nào có sâu chít, người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa. Cây này đã bị ấu trùng ký sinh. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng, có thể nhìn thấu.
Ông Nguyễn Thành Hưng (Đống Đa, Hà Nội) ngoài có bình rượu sâu chít ông còn được bà làm loại tẩm mật ong ăn vào mùa đông. Ông cho biết, bà nhà thường tự chẻ lấy sâu tươi sau đó rang khô. Khi dùng, tẩm sâu với mật ong, rồi lại sấy khô, dùng thay thế cho đông trùng hạ thảo cũng tương đối tốt.
Sâu chít vào mùa, hàng đắt như tôm tươi
Được cho là “đông trùng hạ thảo (một loại dược liệu quý của Trung Quốc), loại sâu chít cực tốt cho các đấng mày râu nên sâu chít tươi càng được nhiều người thích thú.
Chị Thu Hà (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), một mối chuyên đặt mua sâu chít ở Điện Biên đem xuống Hà Nội bán online cho biết, mặt hàng này đang bán rất chạy. Mỗi ngày chị bán hết 200 bó sâu chít các loại.
Thông thường, một bó sâu chít (tùy thời điểm) sẽ có giá dao động 85.000-120.000 đồng một bó (100 ngọn). Nếu khách mua loại đã chẻ, tách riêng giá là 950.000-1 triệu đồng/kg. Việc chẻ sâu chít khá lâu và tương đối mất công nên nếu khách có nhu cầu chị Hà tính thêm 20.000 đồng một bó. Chị cho biết, nhờ công việc thời vụ, chị Hà cũng bỏ túi được một số tiền không nhỏ.
Cũng theo chị Hà, buôn sâu chít không sợ lỗ bởi sâu chít sống rất lâu, không lo bị hỏng. Bên cạnh đó, nếu có trường hợp không bán được sẽ chẻ chít lấy sâu sấy bán dạng khô với giá 800.000 đồng/kg. Song, từ đầu tháng 11 tới nay, khách đặt mua đông, chị liên tục thiếu hàng. Thậm chí, không còn dư bó nào để ngâm rượu cho chồng.
Do có giá cao, khách mua đông nên trên thị trường còn xuất hiện sâu chít giả (thường là sâu tre vì có hình dạng gần giống nhau). Theo anh Hưng, một người bán sâu chít các loại cho biết, khách hàng chỉ nên mua tươi có theo mùa. Thông thường, mùa sâu kéo dài từ tháng 11 đến hết tháng 12. Vào tháng 2-3 sâu vẫn còn song rất ít.
“Vì hám lợi, một số đơn vị còn trà trộn sâu tre vào sâu chít để bán với giá cao. Nếu khách hàng để ý một chút sẽ dễ dàng phân biệt. Thông thường, sâu chít có màu vàng ươm, không có chân, da mỏng, có thể nhìn xuyên thấu nội tạng. Đặc biệt, loài côn trùng này không thể bò hay di chuyển khi đã bị bắt ra khỏi ngọn chít. Trong khi đó sâu tre toàn thân trắng, da dày. Dọc 2 thân có các chấm đen và có thể bò”, anh Hưng cho hay.
Nguồn: Theo Vietnamnet
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.