Tương lai robot không chỉ là những cỗ máy vô tri vô giác mà còn có cảm xúc và khả năng phản ứng lại như con người sẽ không còn xa vời.
Gần đây, một nghiên cứu cho thấy các nhà khoa học châu Âu đã chế tạo thành công loại da nhân tạo và công nghệ cảm biến mới để tăng thêm độ nhạy cảm cho robot. Nghiên cứu này hứa hẹn một nền tảng robot tốt hơn trong tương lai để con người có thể đưa chúng vào sử dụng trong các ngành công nghiệp, bệnh viện và ngay cả tại nhà.
Các phát hiện mới này (da nhân tạo, cảm biến mới), cùng với hệ thống sản xuất mới tạo độ nhạy cho các loại robot khác nhau, sẽ giúp cải tiến cách mà chúng làm việc trong môi trường tự nhiên, cũng như cải tiến khả năng giao tiếp với những đối tượng khác như con người hay “đồng loại”.
Dự án “Công nghệ và khả năng dựa trên da dành cho các robot tương tác, tự điều khiển và an toàn” (ROBOKIN) được Liên minh châu Âu tài trợ đã phát triển công nghệ cảm biến cùng hệ thống quản lý mới mang lại cho robot những bộ da nhân tạo nhạy cảm như da con người.
Da nhân tạo được mô hình hóa một cách rộng rãi từ da thật, do vậy bộ da sẽ có một mạng lưới nhỏ các dây thần kinh có khả năng nhận biết sự thay đổi về nhiệt độ như nóng, lạnh hay về độ nhẵn, thô. Các cảm biến điện tử sẽ chịu trách nhiệm thu thập các dữ liệu về độ nhảy cảm của da ở trên, tạm gọi là “dữ liệu xúc giác”, và xử lý dữ liệu này bằng phần mềm ứng dụng để trang bị một số hành vi cơ bản cho robot. Điều đặc biệt còn ở chỗ, những hành vi của robot có thể được thêm vào sau đó theo nhu cầu của “chủ nhân”.
Điều phối viên dự án, Giáo sư Giorgio Cannata đến từ trường đại học Genoa của Ý cho biết họ đã phải trải qua các cuộc tập dượt và thử chơi các trò chơi có sự trợ giúp của robot để phục vụ công tác nghiên cứu, nhờ vậy robot có thể học tập qua các trạng thái biểu cảm, hoạt động và tương tác với những đối tượng khác. Mục tiêu mà các nhà khoa học hướng tới là nâng cao trình độ nhận thức cho robot.
Nhờ tiến bộ khoa học, có thể trong tương lai không xa, robot không chỉ là những cỗ máy vô tri vô giác mà còn có cảm xúc và khả năng phản ứng lại như con người.
Theo Genk, Firstpost