Thùng xử lý rác sơ bộ sẽ cắt nhỏ rác và phun dung dịch vi sinh vật để khử mùi hôi. Với việc phân loại rác và xử lý tại chỗ, rác phân hủy được sẽ làm phân compost bón cho cây trồng, rác không phân hủy được sẽ thu làm ve chai, phát triển kinh tế cho người dân.
Ý tưởng “Thùng xử lý rác sơ bộ” của nhóm các sinh viên ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM được thực hiện với mong muốn giúp cộng đồng có một cuộc sống trong lành, văn minh và hiện đại hơn.
Khảo sát để nắm được nhu cầu người dân
Tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào thực sự thỏa đáng, giải quyết triệt để. Mỗi lần đến trường, Trí chứng kiến hình ảnh những thùng rác quá tải bốc mùi hôi thối, ảnh thưởng đến người dân xung quanh. Điều đó đặt ra cho cậu sinh viên suy nghĩ, làm sao để biến những thùng rác trở nên “thông minh” hơn, có khả năng xử lý rác tại chỗ.
Sinh viên Hà Minh Trí, giới thiệu ý tưởng của nhóm tại cuộc thi Holcim Prize 2016. (Ảnh: Hà Thế An).
“Rác thải đã xử lý sợ bộ sẽ khử mùi hôi, xe chở rác sẽ vận chuyển rác sạch, công nhân sẽ không phải đối mặt với khó khăn và ô nhiễm từ rác. Ngoài ra, bãi chứa rác tổng sẽ không còn gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm quanh khu vực đó nữa” – Trí kể. Ý tưởng đó đã thôi thúc Trí thực hiện dự án thùng xử lý rác sơ bộ tại gia này.
Để tìm hiểu và khảo sát nhu cầu của người dân với dự án “Thùng xử lý rác sơ bộ”, Trí đã cùng với nhóm các thành viên Bền, Hưng và Cường tiến hành đi thực tế tại các khu vực dân cư, trường học.
Nhóm đã thực hiện nhiều hình thức như phỏng vấn, phiếu ý kiến…để tìm hiểu nhu cầu và thông tin từ người dân sống gần các thùng rác. Kết quả khảo sát trên 55 hộ dân tại Khu dân cư Chợ Mương Điều (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) có 40 hộ đồng ý sử dụng sản phẩm cũng như đánh giá được mức độ nghiêm trọng của sự ô nhiễm.
Sau quá trình khảo sát, nhận thấy được nhu cầu thực tế người dân, tất cả các thành viên nhóm đã bắt tay thực hiện đề tài.
Thùng xử lý rác đa chức năng
Thùng xử lý rác sơ bộ tại gia là một loại thùng rác đa chức năng, giúp giải quyết nhiều vấn đề của rác mà thùng rác bình thường không giải quyết được. Tại 2 ngăn nhận rác sẽ ghi thông tin, hình ảnh hướng dẫn người dân hiểu được loại rác nào phân hủy được và không phân hủy được để đưa vào đúng khoang chứa.
Thùng có 3 khoang chính. Khoang chém, có chức năng làm nhỏ rác hữu cơ phân hủy được. Khoang chứa dung dịch vi sinh vật hữu hiệu. Khoang chứa rác (gồm 2 ngăn chứa rác hữu cơ không phân hủy được, ngăn còn lại chứa rác hữu cơ phân hủy được đã qua xử lý sơ bộ). Các loại rác phân hủy được sẽ được dẫn vào khoang chém để chia nhỏ, đồng thời phun đều dung dịch vi sinh vật hữu hiệu. Quá trình phun dung dịch vi sinh vật hữu hiệu giúp khử mùi hôi của rác. Sau đó, rác tiếp tục rơi xuống và chứa tại khoang chứa.
Mô hình thùng xử lý rác sơ bộ của nhóm. (Ảnh: Nhóm cung cấp).
“Như vậy, khi thu gom rác thải sẽ được 2 loại. Rác hữu cơ phân hủy được đã qua xử lý có thể ủ làm phân bón compost (phân hữu cơ được xử lý từ rác). Đây là nguyên liệu sẽ giúp cây trồng phát triển tốt hơn, góp phần tăng năng suất cây trồng. Rác hữu cơ không phân hủy được sẽ sử dụng làm nguyên liệu ve chai. Với thùng rác xử lý sơ bộ, nguồn ve chai sẽ ổn định hơn, giúp người thu gom đỡ vất vả hơn” – Lê Thanh Bền, thành viên nhóm kể.
Không dừng lại với những kết quả đạt được. Sau khi giành giải tại cuộc thi Holcim Prize, các thành viên nhóm cho biết, vẫn tiếp tục theo đuổi với dự án.
“Nhóm mong muốn dự án sẽ không chỉ làm giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, mà còn muốn biến rác trở nên thân thiện hơn, không còn gây khó chịu khi tiếp xúc” – Võ Quốc Cường, thành viên nhóm nói. Mục tiêu mà nhóm đặt ra là đưa sản phẩm của nhóm đến tay người tiêu dung, giúp mọi người có một môi trường sống trong lành.
Theo khampha