Đó là thiết bị mới đang được thử nghiệm tại London, Anh giúp hỗ trợ phát hiện sớm máy bay thông qua các tín hiệu khác trong không khí với chi phí rẻ và tốn ít điện năng hơn.
Thông thường thì các radar sử dụng một ăng-ten xoay quan sát bầu trời, phát ra các xung điện vô tuyến và qua đó phát hiện dấu hiệu của máy bay qua những phản xạ trở lại. Tuy nhiên, hệ thống radar sẽ được thử nghiệm vào tháng 6 tới sẽ không phát đi các tín hiệu riêng của mình mà thay vào đó dựa vào một mạng lưới các máy thu sóng từ các chương trình truyền hình.
Thật khó tưởng tượng các chương trình truyền hình quen thuộc của Anh như “Cash in the Attic”, “Downton Abbey” hay “Top Gear” sẽ được sử dụng để… phát hiện máy bay. Nhưng, đó là thực tế. Bằng cách đo sự khác biệt nhỏ giữa các tín hiệu phát sóng ban đầu và các tín hiệu phản xạ từ máy bay đang bay ở vùng lân cận, radar có thể định vị máy bay trên màn hình như các radar thông thường. Điểm khác ở đây là hệ thống chỉ dựa vào các tín hiệu sẵn có sẽ khiến thiết bị này đơn giản và “rẻ” hơn”.
Thử nghiệm hệ thống radar mới đang được thực hiện bởi Thales – một tập đoàn kỹ thuật của Anh, Roke Manor Research – một công ty tư vấn R & D của Pháp, và NATS – công ty quản lý việc kiểm soát không lưu của Anh với sự hỗ trợ của Hội đồng Chiến lược Công nghệ của Chính phủ Anh. Nhóm này gọi hệ thống radar của họ là radar giám sát đa tĩnh (MSPSR). Nó là một loại radar “thụ động”.
Mặc dù từ cuối thế kỷ 19 người ta đã biết rằng sóng vô tuyến có thể được phản ánh lại qua các vật thể, phải đến những năm trước Chiến tranh thế giới thứ Hai, một số nước mới bắt đầu bí mật phát triển các phương pháp phát hiện máy bay. Nhiều thử nghiệm ban đầu đã dựa vào các chương trình phát sóng thông thường để cung cấp các tín hiệu. Trong một thí nghiệm vào năm 1935, máy bay ném bom Handley Trang Heyford bay từ một trạm tiếp nhận và một tháp phát sóng của BBC để xem nó có thể bị phát hiện như thế nào. Và có lẽ thử nghiệm đã thành công, vì Bộ Không quân Anh đã đặt hàng hệ thống này.
Trong năm 1940, Hải quân Mỹ đã đặt ra thuật ngữ radar để mô tả “việc phát hiện và định vị các sóng vô tuyến”. Radar hiện đại rất tinh vi, nhưng nó chủ yếu dựa vào việc phát tín hiệu. Bằng cách đo thời gian thực hiện các phản xạ trở lại, nó có thể xác định vị trí của một máy bay.
Radar “thụ động” có thể thực hiện việc đo đạc tượng tự và đã từng được sử dụng trong một số hoạt động, chủ yếu bởi các lực lượng vũ trang. Dựa trên các tín hiệu từ mặt đất để phát hiện máy bay cũng có lợi khi hoạt động này hoàn toàn mang tính “tàng hình”: không có xung điện nào được phát ra để cảnh báo đối tượng về những gì radar đang thực hiện, hoặc thu hút tên lửa chống radar.
Sự gia tăng các chương trình phát sóng của các đài phát thanh và truyền hình, đặc biệt với truyền hình kỹ thuật số và truyền hình độ nét cao, đã tạo ra một số lượng cực lớn các sóng vô tuyến tần số cao, rất lý tưởng cho các hệ thống radar thụ động. Ngoài ra, sự có sẵn các máy tính giá rẻ và hoạt động mạnh cũng khiến việc phân tích dữ liệu cần thiết để xây dựng một hệ thống như MSPSR trở nên khả thi. Công ty Thales và các đối tác đang hy vọng thử nghiệm sẽ tạo ra kết quả tốt như radar thông thường.
Mục đích của sản phẩm cũng nhằm hỗ trợ công tác quản lý không lưu của nước Anh. Hệ thống này có thể giúp các sân bay nhỏ thiếu radar hoặc lấp khoảng trống tại những nơi chưa có đủ radar bao phủ. Và bởi vì nó là một hệ thống nối mạng, nó sẽ có tính tin cao cậy hơn so với hệ thống hiện tại – thường vẫn dựa vào một radar tại mỗi sân bay.
Ngành công nghiệp hàng không đang thận trọng khi áp dụng công nghệ mới và vẫn còn một chặng đường dài trước khi radar thông thường bị loại bỏ để thay bằng hệ thống thụ động. Nhưng chính phủ các nước sẽ không khỏi bị cám dỗ, vì những chi phí thấp của radar thụ động. Vấn đề đặt ra là radar thụ động phụ thuộc vào một bên thứ ba mới có được tín hiệu của riêng mình. Do đó sẽ phải sẵn có cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia với những công ty thu phát sóng lớn. Ông John Smith, lãnh đạo dự án của Thales cho biết, công ty sẽ xem xét thỏa thuận với các “nhà đài” để đảm bảo tính tin cậy và hiệu suất của việc phát sóng cũng như tìm biện pháp đối phó với những lúc các tháp truyền hình ngừng hoạt động.
Được biết, trước thử nghiệm về MSPSR, đã có một số hệ thống radar thụ động khá hiệu quả như hệ thống Cassidian của Đức có thể đồng thời “lọc” tín hiệu thu được từ 3 dải tần khác nhau: sóng vô tuyến của đài phát thanh thông thường, đài phát thanh kỹ thuật số và các kênh truyền hình kỹ thuật số. Với hệ thống Cassidian, người ta có thể phát hiện các vật thể nhỏ như máy bay đồ chơi với sai số chưa đầy 10m. Hay hệ thống radar thụ động mang tên “Silent Sentry” (tạm dịch: canh gác thầm lặng) do đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ giới thiệu có thể theo dõi toàn bộ không phận thủ đô Washington thông qua các tín hiệu phát thanh Đó là chưa kể các tập đoàn quốc phòng của Thụy Điển, Nga và Trung Quốc. Ngay từ năm 2004, Trung Quốc cũng đã làm chủ công nghệ radar thụ động…
Theo TGVN