Robot có khả năng gập lại theo nhiều hình dạng, góc độ khác nhau trong không gian ba chiều, giống với phương thức mà các phân tử protein sinh học xếp mình lại để vừa với kích thước nhỏ bé của tế bào.
>>> Video: Giới thiệu về robot mắt xích
Các nhà khoa học tại đại học MIT đang có ý định xây dựng một chuỗi các module có động cơ từ tính được nối với nhau. Mỗi mắt xích trong đó được gọi là một “milli-moteins”. Chúng sở hữu khả năng gập lại theo nhiều hình dạng, góc độ khác nhau trong không gian ba chiều, giống với phương thức mà các phân tử protein sinh học xếp mình lại để vừa với kích thước nhỏ bé của tế bào.
Với nguyên lí gập như trên, các milli-moteins còn có thể kết hợp với những chuỗi mắt xích đứng gần nó để cấu thành một khối to hơn, làm được nhiều việc hơn. Chính vì thế, trên lý thuyết, sản phẩm của đại học MIT có thể biến thành bất kì thứ gì mà người dùng mong muốn, miễn là có đủ số mắt xích cần thiết.
Những milli-moteins sẽ có kích thước rất đa dạng, từ nhỏ như các phân tử cho đến những khối to lớn hơn có thể gập thành một vật to bằng con người. Ngoài ra, một khi đã thay đổi hình dáng hoàn tất, nó sẽ không tốn thêm năng lượng để duy trì trạng thái của mình.
Hiện kĩ thuật này chỉ mới ở giai đoạn sơ khai và mỗi milli-moteins chỉ có đủ năng lượng để di chuyển một mắt xích lân cận. Trong tương lai, các nhà khoa học dự tính cải tiến để tăng con số này lên thành hai hoặc ba nhờ sử dụng một loại vật liệu nào đó tốt hơn. Mục tiêu cuối cùng của dự án là phải tạo được sản phẩm rẻ, bền nhưng mạnh để phục vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Còn phải mất rất nhiều thời gian nữa công nghệ này mới có thể được áp dụng thực tế, nhưng tiềm năng cho thiết bị này thì vẫn còn rất lớn.
Theo NLĐ