Robot từ tàu vũ trụ châu Âu đã đặt chân lên sao chổi

Robot từ tàu vũ trụ châu Âu đã đặt chân lên sao chổi

Rạng sáng nay 13/11 châu Âu làm nên lịch sử khi tàu vũ trụ Rosetta phóng robot Philae tới bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, nhưng Philae không thể bám trụ cố định hoàn toàn.

>>> Video: Phi thuyền đáp xuống sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko

Theo AFP, Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) tuyên bố robot thí nghiệm có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh đã đặt chân lên bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko khoảng bảy giờ sau khi tách khỏi tàu Rosetta. Hiện tại, sao chổi này đang di chuyển ở vị trí cách trái đất hơn 510 triệu km.

Tuy nhiên Philae không thể phóng móc câu để đứng cố định trên bề mặt sao chổi. Các tín hiệu radio ban đầu cho thấy robot này hạ cánh nhẹ nhàng, bị nẩy lên rồi lại chạm đất. “Hôm nay chúng tôi hạ cánh tới hai lần” – chuyên gia ESA Stephan Ulamec tuyên bố.

Robot từ tàu vũ trụ châu Âu đã đặt chân lên sao chổi
Ảnh sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko do robot Philae chụp khi hạ cánh – (Ảnh: Reuters)

Ông Ulamec bày tỏ hi vọng robot Philae đang bám trụ trên bề mặt sao chổi dù ở vị trí khác với dự kiến ban đầu. Hiện một số thiết bị khoa học của Philae đã truyền về trái đất nhiều dữ liệu. Các kỹ sư ESA vẫn phải tìm hiểu tại sao robot nặng 100kg này không phóng hai móc câu vào bề mặt sao chổi.

Nếu không đứng cố định một cách chắc chắn, có khả năng Philae sẽ bị trôi đi do sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko có lực hấp dẫn rất yếu. Dù vậy, tổng giám đốc ESA Jean-Jacques Dordain khẳng định đây là một bước tiến vĩ đại của nền văn minh nhân loại.

“Sứ mệnh Rosetta đã làm nên lịch sử. Đây là tàu không gian đầu tiên tiếp cận một sao chổi và là tàu đầu tiên phóng robot lên bề mặt sao chổi” – ông Dordain nhấn mạnh. Ông Jim Green, giám đốc khoa học hành tin Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cũng mô tả đây là một thành công phi thường.

“Việc hạ cánh lên bề mặt một sao chổi là vô cùng táo bạo và phi thường. Đây là bước đầu của một sứ mệnh quan trọng. Hệ mặt trời là của loài người. Dự án này là bước đầu tiên để làm chủ nó” – ông Jim Green hào hứng.

Dự án Rosetta trị giá 1,3 tỷ USD được thông qua năm 1993. ESA phóng tàu Rosetta lên không gian năm 2004, chở theo robot Philae với 10 thiết bị khoa học. Sau khi di chuyển qua quãng đường 6,5 tỷ km trong 10 năm, tàu Rosetta tiếp cận sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko hồi tháng 8.

Robot Philae có đủ pin để hoạt động trong 60 giờ, tuy nhiên có thể tiếp tục công việc tới tận tháng 3/2015 nhờ hệ thống sạc năng lượng mặt trời. Dù điều gì xảy ra với Philae thì tàu Rosetta vẫn sẽ bám sát sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Dự án Rosetta dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12/2015.

 

Theo Tuổi Trẻ