Nếu như trước đây, chứng bệnh rối loạn tiền đình thường gặp ở người lớn tuổi nhưng hiện nay giới trẻ và dân văn phòng cũng mắc phải. Bởi thói quen ngồi lâu hàng tiếng đồng hồ bên máy vi tính, ít vận động, đi lại, khiến cho lượng máu lên não giảm khiến cho tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt thêm nặng.
Chị Thu Trà (Nhân viên văn phòng) khoảng 1 tuần trở lại đây thường mệt mỏi, buồn ngủ mặc dù đã ngủ đủ giấc. Mỗi khi ngủ dậy có đỡ nhưng sau đó lại cảm thấy bị choáng, nặng đầu và hoa mắt mỗi khi thay đổi tư thế. Điều này khiến ảnh hưởng đến công việc hàng ngày cũng như cuộc sống. Nhưng cơn buồn ngủ ập đến cả ngày làm cho chị khó tập trung vào công việc hoặc năng suất giảm xuống đáng kể.
“Tôi nghĩ chỉ là do mệt mỏi đơn thuần vài hôm sẽ khỏi. Nhưng uống thuốc đau đầu vẫn thường uống cũng không có tác dụng. Những ngày sau đó, đi lại loạng choạng, có lúc như nghiêng ngả bên này với bên kia rất mệt mỏi. Đi khám bác sĩ chẩn đoán là rối loạn tiền đình lúc đó mới ngớ người vì nghĩ trẻ như tôi ngoài 30 làm sao bị bệnh đó được”, chị Trà nói.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Tiến Dũng (Chuyên khoa thần kinh) cho hay, rối loạn tiền đình có 2 dạng gồm: Rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương. Với rối loạn tiền đình trung ương sẽ khiến người bệnh đi lại khó khăn, chóng mặt, khi thay đổi tư thế lúc ngồi hoặc nằm ngủ sẽ bị choáng, buồn nôn và có thể nôn. Còn rối loạn tiền đình ngoại biên là bệnh lành tính có biểu hiện là chóng mặt, choáng khi thay đổi tư thế, khó chịu trong sinh hoạt, khi bệnh nặng có thể kèm các triệu chứng khác như nôn, ù tai, giảm thích lực, nặng đầu.
“Khi bạn bị tăng huyết áp hay hạ huyết áp, chấn thương sọ não hay tai biến cũng có thể xuất hiện triệu chứng chóng mặt. Nhưng nếu kèm theo chóng mặt là một số triệu chứng khác như lảo đảo, mắt nhìn kèm, chân tay run, choáng váng… thì bạn có thể đã bi rối loạn tiền đình. Để phát hiện sớm tình trạng bệnh cần đi khám chuyên khoa nội thần kinh, chụp Xquang, cộng hưởng từ…”, bác sĩ Dũng nói.
Đề phòng bệnh rối loạn tiền đình
Khi bị rối loạn tiền đình cần nghỉ ngơi hợp lý, không nên gắng sức hay ngồi bên máy tính quá lâu. Chọn chỗ yên tĩnh, tránh xa ánh sáng. Uống thêm nước nóng, sữa nóng, trà nóng để giảm bớt tình trạng khó chịu. Mặt khác, cần chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, tránh các chất kích thích. Chọn tư thế ngủ nghiêng trái hay nghiêng phải, nằm ngữa.
Những người bị rối loạn tiền đình nên giữ nền nếp sinh hoạt như ăn uống đúng giờ, tránh để bụng quá đói hoặc vận động quá mạnh. Mặt khác, không nên đứng dậy đột ngột hoặc thay đổi tư thế bất ngờ dễ gây choáng váng.
Việc tập luyện cho vùng cổ vai gáy cũng rất cần thiết trong việc phòng bệnh RLTĐ. Việc tập luyện nên kiên trì, thường xuyên, nhẹ nhàng nhưng đúng động tác. Bạn cần phải lưu ý những bài tập từ đơn giản đến phức tạp có thể là yoga, đi dạo để thư thái đầu óc vào mỗi buổi tối.
Ví dụ: cách tập đốt sống cổ một cách đơn giản, bất kỳ lúc nào cũng có thể thực hiện được, ở đâu cũng làm được là thực hiện động tác quay trái, quay phải, ngả đầu về sau, cúi đầu xuống phải từ từ không vội vàng. Mỗi lần tập như vậy cũng chỉ từ 5 – 10 phút, không nên tập kéo dài thời gian…
Không ngồi liên tục quá lâu đặc biệt ngồi nhìn máy tính, điện thoại. Ngoài ra, hạn chế uống rượu, cà phê hay thuốc lá. không lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh; giảm thiểu căng thẳng, lo âu, hoảng hốt; tránh leo trèo cao; không đọc sách báo khi ngồi trên ôtô; ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt.
Để đề phòng rối loạn tiền đình cần xây dựng thói quen rèn luyện sức khỏe, thư giãn hay đi dạo sau những giờ làm việc căng thẳng. Đặc biệt, dân văn phòng nên tập các bài tập đơn giản tại chỗ, đi lại, chống đẩy hàng ngày để quá trình lưu thông máu được thuận lợi tránh bệnh rối loạn tiền đình.
Linh Nguyễn
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.