Rubella và nỗi ám ảnh của bà bầu

Giai đoạn mang thai, ngoài niềm hạnh phúc vô bờ thì người phụ nữ cũng phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn, lo lắng. Không chỉ là sự mệt mỏi, khó chịu hàng ngày, các mẹ bầu còn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ: Người thì ốm ngén nặng, người thì dọa sảy, thai lưu, đẻ non,… Đã thế, trong suốt 9 tháng mang thai, chỉ cần mẹ chẳng may ốm bệnh thôi cũng có thể ảnh hưởng rất lớn tới em bé trong bụng. Trong các bệnh thường gặp ở bà bầu, Rubella được coi là nỗi sợ hãi, ám ảnh nhất. Vậy tại sao rubella lại đáng sợ vậy?

Với người bình thường hay trẻ em khi mắc rubella có thể tự khỏi sau 7-10 ngày và ít có biến chứng. Nhưng với phụ nữ có thai khi nhiễm virut rubella lại cực kì nguy hiểm. Virut có thể đi qua nhau thai gây nên tình trạng dị tật thai nhi, sảy thai, đẻ non, rubella bẩm sinh. Trẻ nhỏ mắc rubella bẩm sinh thì hậu quả để lại rất nặng nề, trở thành nỗi đau cho bản thân và gia đình.

Làm thế nào để biết mẹ bầu nhiễm rubella?

Triệu chứng nhiễm rubella của mẹ bầu cũng giống như người bình thường mắc bệnh, có sốt nhẹ, mệt mỏi, sưng hạch, phát ban,… nhưng cũng có khi mẹ không có biểu hiện gì. Người mẹ mắc rubella rất dễ khiến thai nhi bị dị tật. Tuy nhiên, ở từng lứa tuổi thai mà các nguy cơ di tật là khác nhau. Nếu mẹ bị mắc rubella ở 3 tháng đầu thì trên 90% trẻ sinh ra mắc rubella bẩm sinh hoặc dị tật. Nhưng nếu mẹ mắc bệnh ở 3 tháng tiếp theo thì nguy cơ mắc rubella bẩm sinh còn khoảng 20-40%. Khi đã mang thai trên 20 tuần thì khả năng trẻ bị dị tật là rất thấp. Vì vậy việc chẩn đoán sớm mẹ mắc rubella cực kì quan trọng, nó còn ảnh hưởng đến quyết định giữ thai hay không của nhiều bà mẹ.

Rubella bẩm sinh là gì?

Là trẻ mắc rubella khi còn trong bụng mẹ, do người mẹ nhiễm rubella. Hậu quả của rubella bẩm sinh ở trẻ rất nặng nề, trẻ thường chậm phát triển, tật đầu nhỏ và:

– Mắt: đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp.

– Tim: mắc bệnh tim bẩm sinh như thông liên thất, còn ống thông động mạch.

– Thần kinh: tinh thần chậm phát triển, viêm não, màng não.

– Ngoài ra có thể có gan to, điếc, mềm xương…

Phòng bệnh rubella cho bà bầu

Rubella để lại hậu quả nặng nề như vậy nên phụ nữ trước khi có thai cần đi xét nghiệm xem cơ thể có kháng thể chưa, nếu chưa thì nên tiêm phòng rubella và tiêm trước 3 tháng mới được có thai. Một điều quan trọng nữa là từ trước khi mang thai, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện để nâng cao thể trạng. Khi mang thai cần tránh tập trung nơi đông người, vệ sinh răng miệng, đồ dùng cá nhân sạch sẽ. Nếu đang có thai mà sống trong vùng dịch hay tiếp xúc với người bị rubella thì nên đi xét nghiệm sớm vì rất nhiều mẹ sẽ vô cùng băn khoăn, đau khổ khi lựa chọn nên bỏ hay giữ thai.

Vì mỗi giai đoạn mang thai lại có nguy cơ khác nhau nên việc làm các xét ngiệm là rất cần thiết để các mẹ được tư vấn về tình trạng thai nhi.

Khi mang thai ai cũng mong muốn làm sao để mẹ khoẻ con khoẻ, nhưng cũng có những điều không may mắn các bà mẹ gặp phải. Chính vì vậy hãy phòng bệnh từ sớm để tránh hậu quả không mong muốn. Một chế độ sinh hoạt lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao thể trạng là một phần giúp mẹ có được thời gian bầu bí khoẻ mạnh.

Hoa Mèo

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.