Nhiều loài ruồi ở Nam Mỹ có chiến lược sinh sản độc đáo đến mức đáng sợ. Chúng đẻ trứng vào cơ thể kiến lửa để ấu trùng ăn não của vật chủ. Vào một ngày đẹp trời, đầu của kiến lìa khỏi cổ để ruồi bay ra.
Kiến bị hóa thành “zombie” do ruồi
Ruồi phorid tìm cách đẻ trứng vào cơ thể kiến lửa mỗi khi chúng ra ngoài tổ. (Ảnh: National Geographic.) |
Quê hương của kiến lửa là khu vực Nam Mỹ. Chúng di cư sang bang Alabama của Mỹ trong những năm đầu thập kỷ 30 nhờ những chiếc tàu chở nông sản. Sau đó kiến lửa tiến sang bang Texas. Ngày nay chúng vẫn tiếp tục bành trướng trên khắp thế giới. Nền kinh tế thế giới mất hàng trăm tỷ USD mỗi năm vì kiến lửa. Chúng làm giảm sản lượng lương thực, phá hoại các thiết bị điện và đe dọa sự tồn vong của nhiều loài động vật. Nhiều vùng đất đã trở thành hoang mạc vì sự xâm lấn của kiến.
Trong nhiều thập kỷ qua người ta đã áp dụng vô số biện pháp để tiêu diệt kiến lửa, như phun thuốc trừ sâu, đốt lửa hoặc tưới nước. Phần lớn biện pháp “ngốn” khá nhiều tiền của, song vẫn không thể ngăn cản được bước tiến của kiến.
Giòi ăn hết sạch não của kiến để phát triển thành nhộng, nhưng chúng vẫn điều khiển mọi hoạt động của kiến. Vài tuần sau đầu kiến rơi xuống. (Ảnh: National Geographic.) |
Các nhà sinh thái của Đại học Texas (Mỹ) và tổ chức AgriLife Extension Service muốn tìm ra một biện pháp tiêu diệt kiến ít tốn kém mà vẫn hiệu quả. Họ tới Argentina – một trong những nước từng là quê hương của kiến lửa – để nghiên cứu. Tại đây nhóm chuyên gia phát hiện 23 loài thuộc nhóm ruồi phorid có khả năng tiêu diệt kiến theo cách mà chẳng ai ngờ tới.
Mỗi khi nhìn thấy kiến ra ngoài tổ, ruồi phorid lập tức bám theo. Chúng ở phía trên con mồi rồi tìm cách “bơm” trứng vào bên trong cơ thể kiến bằng một chiếc vòi nhọn hoắt. Khi trứng nở, giòi lập tức di chuyển lên đầu kiến. Chúng sống tại đây trong hai tuần và ăn não của vật chủ. Sau khi ăn hết não, giòi phát triển thành nhộng (giai đoạn chuyển tiếp giữa ấu trùng và ruồi) trong chiếc đầu rỗng của “khổ chủ”. Điều đáng ngạc nhiên là kiến vẫn ăn, ngủ, thức giấc, đi lại bình thường khi không còn não. Các nhà khoa học nhận thấy dường như kiến làm mọi việc theo sự điều khiển của nhộng.
Một con ruồi đang chui ra khỏi chiếc đầu của kiến. (Ảnh: National Geographic.) |
“Do kiến không còn não nên chúng chỉ di chuyển theo quán tính. Nhộng đã biến kiến thành xác chết biết đi và sai khiến chúng. Chuyện này thật khó tin”, Rob Plowes, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, giải thích.
Khoảng 30 ngày kể từ khi trứng nở, nhộng đưa kiến tới nơi ẩm ướt, nhiều mùn ở xa tổ kiến. Tại đây chúng làm cho đầu kiến lìa khỏi xác để chui ra. Khi tới tuổi sinh sản, chúng lại tìm kiến lửa để đẻ trứng.
“Mặc dù ruồi phorid không thể giết chết toàn bộ kiến lửa trong tổ bằng cách đẻ trứng, song chúng là một giải pháp để con người kiểm soát số lượng kiến”, Plowes nhận xét.
Một con ruồi phorid bay lên sau khi rời khỏi đầu kiến. (Ảnh: National Geographic.) |
Donald Feener, một nhà sinh thái học của Đại học Utah (Mỹ), cho biết, kiến lửa rất sợ ruồi phorid. Nếu thấy nhiều ruồi ở một khu vực nào đó, chúng sẽ không dám tới đó để kiếm ăn. Như vậy, sự hiện diện của ruồi có thể làm giảm tốc độ bành trướng của tổ kiến.
4 loài ruồi phorid đã được đưa vào bang Texas kể từ năm 1999. Chúng không để ý tới kiến bản địa mà chỉ đẻ trứng vào cơ thể những con kiến tới từ khu vực Nam Mỹ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần nhiều thời gian để tìm hiểu xem liệu chúng có thể ngăn chặn được sự xâm lấn của kiến lửa tới từ Nam Mỹ hay không.
“Chúng ta không thể diệt trừ hoàn toàn một loài côn trùng đã bành trướng khắp hành tinh,ngay cả khi tất cả quốc gia trên thế giới đều tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học để chống lại chúng. Điều quan trọng nhất bây giờ là tìm ra cách tiêu diệt kiến hiệu quả mà không phải chi nhiều tiền của”, Feener phát biểu.
Theo VnExpress (National Geographic, AP)