Sai lầm không-thể-tha-thứ của mẹ khi chăm con ốm

Nói vui, đôi khi việc tìm thông tin chăm sóc con cái bây giờ cũng đơn giản chẳng khác nào… mua 1 cái váy! “Đơn giản” ở đây là vì khi còn son rỗi, gần như mẹ nào cũng đã quá quen với chuyện “mò” lên mạng ngắm nghía, đặt mua quần áo, váy vóc và đủ thứ trang sức, giày dép khác. Chỉ cần bật máy tính, gõ vài từ là đã có cả ngàn kết quả để tham khảo. Còn khi đã có con, bất cứ khi nào bé ốm, bé khóc, bé không chịu bú,… mẹ đều có thể tìm được bác sĩ, thuốc men, “bí kíp” chăm con,… từ “bác Google”. Và chỉ cần vài cái “click” là đủ để giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến sức khoẻ, sự phát triển, chế độ ăn, chế độ chăm sóc từ khi mang thai đến khi lọt lòng,… của con mà không cần phải cuống quýt gọi điện cho bà ngoại.

Tôi đã từng là một bà mẹ như thế. Tôi khá tự tin rằng mình có nhiều kiến thức nuôi con, nào là ăn dặm kiểu Mỹ, kiểu nhật, nào phương pháp mát-xa, ru ngủ,… kiểu này kiểu kia. Ngay cả bắt bệnh cho con cũng dựa vào Google. Tôi nhớ mãi một lần khi con bắt đầu mọc răng. Thấy con chảy nhiều dãi, bú kém, hay cắn và thêm đi ngoài phân lỏng là tôi nắm chắc ngay, chuyện mọc răng tôi đã tìm hiểu kỹ trên mạng rồi nên làm chủ được tình hình, bởi những triệu chứng đó là hoàn toàn bình thường. Tôi không ép con bú, cũng không cho bé đi khám vì tin chỉ mấy ngày nữa là sẽ hết. Tôi khó chịu với sự lo lắng thái quá của bà nội khi cứ liên tục giục giã phải đưa cháu bà đi viện.

Thế nhưng, đến ngày thứ hai thì tự nhiên thấy con chẳng quấy khóc nữa mà nằm im, cứ tưởng con khỏi rồi nên tôi thoáng mừng, nhưng khi bế con lên tôi mới tá hỏa vì thấy bé thỉu đi. Cuống quýt bế con đi viện mà tôi hoảng hốt đến phát khóc vì không biết con bị sao. Vào đến viện, thấy bác sĩ truyền cả hai chân liên tục và nói rằng chỉ chậm 1 chút nữa thôi là con gặp nguy hiểm vì mất nước thì cả nhà tôi đều hoảng loạn. Hoá ra con tôi đúng là mọc răng, nhưng kèm theo tiêu chảy cấp nữa nên bé bị mất nước, còn tôi lại chủ quan cho rằng bé chỉ “đi tướt” bình thường do mọc răng thôi nên không bù đủ nước, để con bị mất nước nặng. Vậy là tôi đã suýt hại con mình chỉ vì “dựa dẫm” quá nhiều vào Google.

Lần khác, dù không còn lạm dụng việc tìm kiếm thông tin qua mạng nhưng tôi còn được một phen hú vía nữa. Đó là khi con bị sốt, tôi chạy ngay ra hiệu thuốc mua một loạt nào là kháng sinh, hạ sốt, giảm ho,… theo sự tư vấn của cô bán thuốc. Cẩn thận ghi từng giờ uống thuốc cho con, tôi con cắt nhỏ thuốc chia thành từng gói sẵn cho tiện. Cho con uống một loạt thuốc, nhưng sau đó khoảng 30 phút thì tự nhiên thấy mặt con cứ sưng húp lên, mắt híp hẳn vào. Tôi còn tưởng con bị côn trùng đốt nhưng tìm không thấy nốt gì cả. Nửa đêm, hai vợ chồng lại vội vàng đưa con đi viện. Hóa ra con tôi bị dị ứng thuốc, nhưng tôi lại không mang túi thuốc của con đi nên chồng lại phải về lấy. Khi mang thuốc đến bác sĩ mới mắng thêm một trận vì cái tội cắt thuốc ra. Lý do là làm như vậy sẽ rất khó để kiểm tra thuốc, nhất là hạn sử dụng. Quả thật, nghe bác sĩ nói tôi mới vỡ lẽ ra, thật may vì tôi còn chưa vứt vỏ thuốc đi. Con tôi phải nằm viện 1 tuần liền, thuốc cũng thay một loạt. Vì thuốc kia vừa gây dị ứng lại thêm dùng liều quá cao và nặng. Sau đó bác sĩ có kê đơn điều trị tiếp và không quên dặn tôi: “Nếu thấy biểu hiện khác thường thì phải đưa con đến viện, bác sĩ sau khi khám sẽ kê thuốc phù hợp chứ quầy thuốc không thể tư vấn việc dùng thuốc cho phù hợp với các triệu chứng được, một vấn đề nữa là không thể dùng đơn thuốc lần này để điều trị bệnh lần sau, vỏ thuốc cũng cần giữ đầy đủ để tiện kiểm tra…”.

Một tuần chăm con ở viện nhưng tôi cũng học hỏi và phát hiện ra nhiều sai lầm mình vẫn hay mắc phải, như việc không được cho trẻ uống thuốc bằng sữa, nước ngọt, nước hoa quả,… Trước đây tôi còn hay pha thuốc cho con theo kiểu ngâm thuốc trong nước cho tan rồi pha thêm 1 thìa đường cho dễ uống. Nhưng đây là nguyên nhân làm thuốc bị mất tác dụng. Tốt nhất nên pha thuốc với 1 chút nước, chỉ nên vừa đủ 1 thìa cafe, sau đó cho trẻ uống luôn và tráng miệng ngay bằng nước trắng, tôi đã từng nghĩ như thế trẻ sẽ không chịu uống hoặc bị nôn. Và sự thật không phải như vậy, cho trẻ uống thuốc vậy rất dễ, chỉ 1 thìa cafe đổ vào miệng trẻ là được, như thế lượng thuốc mất do trẻ nhè, phun ra cũng rất ít và hơn hết là đảm bảo được tác dụng của thuốc.

Thế đấy, chúng ta không thể chẩn đoán bệnh chỉ qua việc mô tả hay dựa vào triệu chứng của người khác, vì trên mỗi cơ thể có một biểu hiện khác nhau. Thậm chí cùng một bệnh nhưng trên cơ thể khác nhau cũng có dấu hiệu khác nhau. Đặc biệt là khi thấy con có dấu hiệu bất thường thì cần đưa trẻ đi khám sớm chứ đừng tự ý cho con uống thuốc theo sự tư vấn của hiệu thuốc cũng như “bác Google”. Tìm hiểu trên mạng chỉ là để tham khảo và có thể nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh chứ không phải để chúng ta tự trở thành bác sĩ của con. Cũng từ đó tôi thay đổi cách suy nghĩ, tôi vẫn tham khảo những thông tin hữu ích trên Google nhưng là để có kinh nghiệm xử lý sớm các vấn đề, chứ không phải để thay thế bác sĩ của con.

Vẫn biết nuôi con là vất vả, mẹ cũng phải không ngừng học hỏi để mang lại điều tốt đẹp nhất cho trẻ. Thế nhưng các mẹ cũng nên chắt lọc thông tin cho phù hợp nhất cho con mình chứ không nên tự ý điều trị cho con ở nhà vì có thể gây hại cho con.

Mèo Hoa

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.