Bong gân là hiện tượng thường gặp khi va chạm mạnh, chơi thể thao, vận động quá đà…Bong gân có thể là tổn thương từ nhẹ đến nặng. Mức nhẹ có thể chỉ giãn dây chằng hay tổn thương ở vài bó sợi, nặng hơn có thể dây chằng bị đứt, nặng nhất là đứt dây chằng hoàn toàn. Bong gân thực chất là tổn thương ở loại dây chằng giúp khớp được giữ vững xảy ra sau chấn thương.
Vừa trở về từ bệnh viện sau 2 tuần điều trị, hiện nay đang phải phục hồi chức năng, anh Anh Tú (Quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn còn nhức đau ở phần mắt cá chân. Theo lời anh Tú, mỗi tuần anh thường đá bóng cùng bạn bè 2-3 lần. Mỗi trận đấu kéo dài 30 phút, chấn thương hay ngã đau không còn là chuyện lạ. Cách đây gần 1 tháng, trong một pha tranh bóng với đối phương, anh bị ngã, vùng gần mắt cá va chạm mạnh với sân tập nên bị sưng tấy. Anh không nghĩ bị bong gân nên vẫn cố gắng đá tiếp. sau khi trận đấu kết thúc, chân càng sưng hơn, đi lại cực kỳ khó khăn.
Về đến nhà sau trận đấu, anh Tú dùng rượu có trong nhà để bóp lên trên vùng mắt cá chân. Sức nóng của rượu thuốc giúp anh đỡ phần nào, cứ tưởng như vậy đã khỏi hoàn toàn. Nhưng đến đêm, cơn đau nhức tăng lên.
“Đến bệnh viện để khám, bác sĩ mới chỉ rõ cho tôi thấy ngay lúc đó nên dùng đá để chườm nhằm tản vết sưng hơn là dùng rượu thuốc xông nóng khu vực trên càng làm cho tình trạng chảy máu thêm nghiêm trọng”, anh Tú nói.
Triệu chứng nhận biết bong gân
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ đa khoa Văn Giàu cho rằng, trường hợp của anh Tú là một thói quen phổ biến của nhiều người. Không chỉ có anh Tú mà nhiều người tự suy nghĩ rằng, bong gân chỉ là chấn thương nhỏ, không quan trọng nên tự điều trị, tự dùng thuốc không có bất cứ thăm khám nào.
Triệu chứng nhận biết bong gân là đau đớn ở vùng bị chấn thương dây chằng. Nếu đi lại càng lúc càng đau, sau đó sưng tấy, đỏ và bầm tím. Vùng khớp bị bong gân đau nhói, dần dần mất cảm giác do bị tê cứng. Sau đó, có thể cảm giác hết đau nhưng cơn đau sẽ xuất hiện trở lại.
Nếu vùng bong gân ở bàn chân, mắt cá chân sẽ rất khó để đi lại. Cách tốt nhất để phát hiện bong gân là chụp Xquang.
Dây chằng có thể bị tổn thương ở nhiều mức độ. Mức nhẹ, gân chỉ bị kéo giãn ra, một số ít bó sợi bị đứt (độ 1) hoặc nhiều bó bị đứt (độ 2) nhưng khớp vẫn vững, tổn thương mau liền, ít biến chứng. Thể nặng (độ 3), dây chằng bị bóc khỏi một đầu xương hoặc bị đứt đôi gây lỏng khớp kèm theo nhiều biến chứng.
Xử trí tránh sai lầm
“Bong gân là chấn thương đơn giản nhưng không phải ai cũng đều tự khỏi. Có người bị nặng, có người bị nhẹ với nhiều mức độ. Bong gân còn có thể đi kèm với những chấn thương bên trong ở phần xương. Cho nên phải thăm khám chuyên khoa để có được câu trả lời và phương cách điều trị hợp lý”, bác sĩ Giàu nói.
Theo bác sĩ Giàu, khi bị bong gân phải chườm nước đá hoặc nước lạnh, không chườm nước nóng lên chỗ sưng. Quá trình chườm này phải thực hiện ngay và kéo dài trong 10-15 phút để tránh bị bong gân.
Lý giải về việc không dùng chất nóng bôi lên, bác sĩ Giàu cho rằng, chất dầu nóng khi bôi lên trong trong trường hợp dây chằng tổn thương như bong gân có thể làm cho cơ bị ảnh hưởng, cứng khớp về sau. Chất nóng làm tăng tiết dịch, máu giúp làm nhanh liền xương chỉ có tác dụng trong gãy xương.
“Có thể dùng băng cuộn, băng thun băng ép khớp bị bong gân, gọi y tế hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, có cách xử lý”, bác sĩ Giàu nói.
Người bị bong gân cần hạn chế vận động, đi lại hoặc chạy nhảy, nếu làm như vậy sẽ làm máu dồn xuống vùng chân nhiều gây sưng chân. Khi nằm cần kê cao vùng chi dưới, còn ngồi cần kê cao ngang hông, nếu bong gân ở vùng tay hay chi trên nên thả lỏng để cơ được nghỉ ngơi.
Vũ Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.