Thử nghiệm, chế tạo và lắp đặt 100m giải phân cách ở đường Nguyễn Văn Trỗi, đoạn quận 3, và 50m2 gạch cao su bằng cao su phế thải ở Trường tiểu học Huỳnh Khương Ninh, quận 1 (TP.HCM) đã cho những kết quả khả quan.
TS Mai Ngọc Tâm, Trung tâm nghiên cứu vật liệu xây dựng TP.HCM vừa giới thiệu hai sản phẩm: Giải phân cách đường và gạch lát thảm từ nguồn nguyên liệu cao su phế thải.
Nguồn cao su phế thải có thể chế tạo ra gạch lát thảm… Ảnh: P. Tú
Nguyên liệu tạo thành gạch cao su bình thường hiện nay thường gồm: Cao su phế thải, cao su thiên nhiên, lưu huỳnh, than đen, chất xúc tiến, hóa dẻo, phòng lão. Để tạo gạch lát thảm cao su từ cao su phế thải chỉ cần: Cao su phế thải, keo PU (loại keo có khả năng kết dính cao), màu.
Quy trình công nghệ chế tạo hai sản phẩm trên từ cao su phế thải sử dụng và keo PU: Sau khi trộn hạt cao su, keo PU, màu, phụ gia, hỗn hợp trên sẽ được đổ khuôn, ép và đóng rắn để tạo thành sản phẩm. Quá trình sản xuất an toàn, không gây ô nhiễm môi trường.
…và giải phân cách. Ảnh: P.Tú
Các giải pháp tái chế cao su phế thải trên thế giới: bằng các cách như tạo cao su tái sinh, vật liệu xây dựng, đốt trực tiếp phát điện, đốt trong lò xi măng, chuyển thành dầu đốt.
Theo TS Tâm, cao su phế thải sử dụng theo công nghệ này không phải lưu hóa (quá trình tạo vật liệu cao su dùng lưu huỳnh tạo mạch polyme) nên quá trình rất đơn giản, dễ áp dụng và có thể tạo ra sản phẩm có kích thước lớn mà không hạn chế theo kích thước của khuôn. Sản phẩm đa dạng, nhỏ như gạch lát đường, lớn như tấm thảm cao su ở sân vận động…
Giá dự kiến 1m giải phân cách đường: 622.000 đồng. 1m2 gạch cao su: 149.000 đồng.
“Tuy nhiên, các sản phẩm này còn có nhược điểm là độ bền thấp, phụ thuộc vào keo PU của nước ngoài. Trong thời gian sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện công nghệ, khắc phục những hạn chế trên và đưa vào sản xuất đại trà”, TS Tâm nói.
Theo KH & ĐS