Sáng 24/6 mưa bão có thể gây ngập Hà Nội

Sáng 24/6 mưa bão có thể gây ngập Hà Nội

Trong khi bão Haima chưa đổ bộ, một áp thấp nhiệt đới vừa hình thành ngoài khơi Philippines đang nhanh chóng mạnh lên thành bão. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ dự báo mưa lớn đến 300 mm vào cuối tuần.

>>>Tin bão trên biển Đông – Cơn bão số 2

Chiều 22/6, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hiện phía đông đảo Luzon (Philippines) có một áp thấp nhiệt đới. Ngày 24/6, áp thấp này sẽ mạnh lên thành bão. “Với cường độ rất mạnh, nó sẽ hút bão Haima đang hoạt động trong vùng biển Đông dịch xuống phía nam”, ông Tăng nói.

Sáng 24/6 mưa bão có thể gây ngập Hà Nội
Thêm một áp thấp vừa hình thành ngoài khơi Philippines, được dự báo sẽ trở thành một cơn bão mạnh, tác động đến hướng di chuyển của bão Haima.
(Ảnh: NEA).

Theo đó, khoảng đêm 23 sáng 24/6, bão Haima sẽ nằm trên khu vực vịnh Bắc Bộ và tồn tại khá lâu (2-3 ngày), gây mưa cho toàn bộ miền Bắc. “Do hoạt động của áp thấp nhiệt đới ngoài vùng biển Thái Bình Dương, nên có khả năng sau khi bão Haima đổ bộ vào khu vực biên giới Việt – Trung sẽ bị hút trở ra vịnh Bắc Bộ, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Lúc đó, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình sẽ chịu tác động trực tiếp“, ông Tăng lo ngại.

Nếu tình huống này xảy ra như dự báo, từ ngày 25 đến 26/6, thời tiết khu vực vịnh Bắc Bộ sẽ chuyển xấu. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có gió mạnh, mưa rào, dông kèm lốc xoáy.

Từ chiều tối 23/6, các tỉnh ven biển miền Bắc sẽ có mưa, từ nửa đêm mưa to. Mưa sẽ kéo dài đến cuối tuần, diễn ra trên diện rộng và phát triển sâu xuống Bắc Trung Bộ như Hà Tĩnh, Quảng Bình. Theo ông Tăng, lượng mưa ít nhất cũng đạt 100 mm, phổ biến 200-300 mm, cá biệt có một số nơi mưa sẽ lên đến 400 mm.

Sáng 24/6 mưa bão có thể gây ngập Hà Nội
Vị trí và dự báo hướng đi của bão Haima chiều 22/6.
(Ảnh: NCHMF).

Nhận định về diễn biến và tầm ảnh hưởng của bão Haima, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, bão Haima đã có những diễn biến bất lợi hơn cho Việt Nam. “Càng ngày, bão càng dịch xuống phía nam nước ta, cần đề phòng những tình huống xấu nhất có thể xảy ra“, ông Phát đề nghị.

Bộ trưởng Phát yêu cầu các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Đặc biệt, cần lưu ý các công trình thủy lợi trọng điểm, tàu thuyền du lịch ở Quảng Ninh và Hải Phòng, tránh trường hợp xấu có thể xảy ra. Đối với tàu thuyền đang hoạt động hoặc neo đậu trong vùng ảnh hưởng của bão, đến chiều tối 23/6 phải lập tức di chuyển vào nơi tránh trú an toàn…

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, điều lo ngại nhất hiện nay là các tỉnh miền Bắc đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ mới thu hoạch được 15-20% diện tích lúa. Ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Đê điều và Phòng chống lụt bão cho rằng, việc đẩy nhanh thu hoạch lúa là khó, bởi lúa chưa đủ chín. Ngoài ra, một số công trình đê điều, thủy lợi đang dang dở ở Bắc Giang, Điện Biên, Nghệ An…

Đài Khí tượng thủy văn đồng bằng Bắc Bộ nhận định, đợt mưa do ảnh hưởng từ bão Haima kéo dài từ chiều tối 23 đến 27/6, tập trung từ 24 đến 26/6. Các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ là những nơi hứng chịu lượng mưa lớn nhất. Tại Hà Nội, giai đoạn 1 của dự án thoát nước vừa hoàn thành chỉ cho phép chống chịu lượng mưa xấp xỉ 170 mm trong hai ngày.

Các cấp độ mưa được quy định tương ứng với lượng mưa đo trong khoảng thời gian 12 giờ. Theo đó, mưa 20-50 mm là mưa vừa; trên 50 đến 100 mm là mưa to; trên 100 mm là giờ là mưa rất to.

 

 

Theo Vnexpress