Thời gian gần đây xuất hiện nhiều sáng chế có xuất xứ từ những người chưa học hết phổ thông. Điều này đã tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau về vai trò của khoa học “chân đất” và khoa học chuyên nghiệp.
Điều đáng nói, những sáng chế, sản phẩm này đều xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và được người dân đón nhận khá nhiệt tình bởi tính hữu ích của nó.
Cần khẳng định, các sáng chế, sản phẩm từ các nhà khoa học chân đất rất đáng hoan nghênh, đóng góp nhất định vào phát triển đời sống kinh tế xã hội.
Song, điều đáng bàn ở đây, có khá nhiều sự ngộ nhận cho rằng, chẳng cần học hành, đầu tư nghiên cứu mà họ – những người nông dân cũng có thể chế tạo máy móc nông cụ hay những sản phẩm hữu ích, còn những nhà khoa học thì lại không thể làm được điều đó. Đây là một quan niệm sai lầm.
Một nhà sáng chế “chân đất” bên chiếc máy đục thủy lực tự sáng chế
Mới đây, tại hội chợ Techmart Quảng Nam 2011 diễn ra tại Quảng Nam, có rất nhiều sản phẩm của các nhà khoa học “chân đất” thu hút khách tham quan chẳng kém gì hàng nghìn thiết bị công nghệ của các nhà khoa học chính quy tham gia triển lãm.
Tuy nhiên, lâu nay dường như chúng ta quá thổi phồng các sáng chế của nông dân mà quên đi mặt trái của sự việc. Một nhà khoa học lâu năm cho biết, những sáng chế đó (thật ra, phần lớn là giải pháp hữu ích) đều dựa trên những phát kiến đã có từ trước của các nhà khoa học.
Cái khác là máy do nông dân làm ra gần với điều kiện sử dụng cụ thể hơn, vận hành thuận tiện nhờ tinh giảm một số chức năng của máy gốc. Và yếu tố thuyết phục nhà nông mua máy là giá rẻ.
Thế nhưng, sẽ rất lãng phí, kém hiệu quả nếu cứ để các tay ngang chăm chăm đi chế tạo những cái đã có trước đó hàng chục năm. Nếu có một cơ chế để nông dân hợp tác với nhà khoa học, mọi việc sẽ tốt hơn nhiều.
Do vậy, nếu không nhìn thấy cái hại của chuyện để nông dân tự bơi, không khéo lại cổ súy cho phong trào hình thành đại công trường sáng chế sản phẩm cấp thấp.
Theo Đất Việt