Vào thời La Mã cổ đại, Palmyra là thành phố giữ vai trò quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ, nằm dọc theo tuyến đường thương mại nối liền đông – tây với số dân khoảng 100.000 người. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong số những thông tin ít ỏi mà các nhà khoa học khám phá ra được về nền văn minh bí ẩn này.
Tại sao cư dân nơi đây có thể sống tốt trong điều kiện khắc nghiệt của sa mạc gần 2000 năm trước? Họ lấy thực phẩm từ đâu? Lý do mà tuyến đường thương mại quan trọng như vậy lại chọn đi qua Palmyra? Sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, các chuyên gia đến từ Na Uy và Syria đã phần nào tìm thấy câu trả lời, góp phần cung cấp thêm hiểu biết về lịch sử của một thành phố cổ từng biến mất kỳ lạ.
Sử dụng phương pháp khảo cổ học hiện đại, họ tiếp cận vấn đề theo góc độ mới lạ, không chỉ tập trung xem xét, tìm hiểu khu vực Palmyra mà còn mở rộng phạm vi ra phía bắc. Cùng với sự hỗ trợ từ hình ảnh vệ tinh, Palmyra đã được xếp vào danh mục các tàn tích cổ đại có thể nhìn thấy trên bề mặt Trái đất.
Tàn tích của những hồ chứa nước tại thành phố Palmyra cổ đại cách đây 2000 năm.
“Bằng cách này, chúng ta có thể xây dựng một bức tranh đầy đủ về những gì từng xảy ra trong quá khứ”, Giáo sư Jorgen Christian Meyer (Đại học Đại học Bergen) giải thích.
Tiến hành phân tích, nhóm chuyên gia nhận thấy rằng thực chất khu vực họ đang nghiên cứu không phải là sa mạc mà vốn là một thảo nguyên khô cằn với những thảm cỏ ngầm giữ nước mưa ở dưới lòng đất. Nước mưa từ đó lại chảy về các con lạch và sông ngòi mà người Ả-rập gọi là “wadi” (ốc đảo).
Thỉnh thoảng mới có một trận mưa lớn trút xuống và mỗi lần như thế, cư dân thành phố Palmyra cổ đại cùng nhiều ngôi làng gần đó đã dự trữ nước mưa trong đập nước và bể chứa phục vụ quá trình chăn nuôi, trồng trọt, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm ổn định và ngăn chặn thảm họa có thể xảy ra trong thời gian hạn hán.
Ngoài ra, Palmyra cũng là nơi mà tuyến đường thương mại đông – tây đi qua, dọc theo sông Euphrates ở phía bắc, mang lại nhiều cơ hội làm giàu cho người Palmyra, giải thích về sự thịnh vượng của thành phố. Họ gia nhập vào đội ngũ dân Ả-rập du cư, xây dựng một mạng lưới thương mại toàn diện chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ, vận chuyển và hướng dẫn cách thức vượt sa mạc. Hơn nữa, nơi đây lại không nằm dưới sự kiểm soát của người La Mã ở phía tây hay người Ba Tư ở phía đông.
Ngày nay, khi con người đang cố gắng tìm kiếm đất canh tác để có thể nuôi sống số dân đã lên tới con số hàng tỷ, chúng ta có thể tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ người Palmyra cổ đại. Nếu họ có thể biến sa mạc thành đất canh tác từ gần 2000 năm trước thì tại sao chúng ta với rất nhiều phương tiện hiện đại có sẵn lại không thể làm được?
Theo Đất Việt, Physorg