Sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko “bốc mùi” trứng ung và phân ngựa

Sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko

Tiếp tục theo dõi sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko sau khi bắt kịp hồi tháng 8, tàu Rosetta của ESA đã vừa phát hiện ra một điều thú vị rằng sao chổi này có mùi như trứng ung và phân ngựa.

>>> Tàu Philae sẽ đáp lên “đầu” sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko

Rosetta đã sử dụng hệ thống cảm biến quỹ đạo và phân tích ion, khí trung tính (ROSINA) để xác định độ “bốc mùi” của 67P/Churyumov-Gerasimenko. Hệ thống này gồm 2 máy đo phổ lớn gồm máy đo phổ khối lượng tập trung kép DFMS và máy đo phổ thời gian bay phản xạ (RTOF) cho phép phân tích thành phần đầu sao chổi và cảm biến áp suất sao chổi (COPS) giúp xác định áp suất của các loại khí trong đầu sao chổi.

Các máy đo phổ được thiết kế để có thể đo đạt một dải rộng các loại phân tử từ hydo cho đến các chất hữu cơ phức tạp. Bên cạnh đó, cảm biến áp suất có thể bản đồ hóa những thay đổi về áp suất của đầu sao chổi cũng như sự khác biệt lớn về mật độ của ion và các khí trung tính.


Khí bốc lên từ đầu sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko.​

Thực ra mùi của sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko chỉ được xác định trên lý thuyết bởi đầu sao chổi thực chất là một họng hút chân không khổng lồ với các vệt phân tử. Tuy nhiên, nếu các phân tử này tập trung lại, sao chổi sẽ có mùi rất khó ngửi. Các nhà khoa học tin rằng do 67P/Churyumov-Gerasimenko đang bay rất xa Mặt Trời nên chỉ những phân tử bay hơi mạnh như CO hay CO2 mới được thải ra ngoài và được phát hiện bởi hệ thống trên. Mặc dù vậy, Rosetta đã phát hiện ra một hỗn hợp khí trong đầu sao chổi và hỗn hợp này bao gồm: nước, CO, CO2, ammonia (NH3), methane (CH4), methanol (CH3OH), formaldehyde (CH2O), hydrogen sulfide (H2S), hydrogen cyanide (HCN), sulfur dioxide (SO2) và carbon disulfide (CS2).

Trong đó, các khí hydrogen sulfide (H2S), ammonia (NH3) và formaldehyde (CH2O) là thành phần chính làm nên mùi thối của sao chổi. Kathrin Altwegg – nhà nghiên cứu đứng đầu hệ thống ROSINA cho biết: “Mùi của 67P/Churyumov-Gerasimenko khá mạnh, giống như mùi trứng ung (H2S), mùi khai của phân ngựa (NH3) và mùi hăng đến nghẹt thở của formaldehyde. Chúng được trộn với mùi hơi chua của hydrogen cyanide cùng với hơi cồn nhẹ của methanol, mùi giấm của sulfur dioxide và mùi hơi ngọt của carbon disulfide và chúng ta có mùi hương của sao chổi”.

Được phóng lên quỹ đạo vào năm 2004, tàu Rosetta đã bắt kịp sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko sau 3 lần bay ngang Trái Đất, 1 lần bay ngang sao Hỏa và một lần bay vòng sao Mộc để lấy đủ vận tốc cần thiết nhờ lực hấp dẫn của các hành tin này. Trong suốt cuộc hành trình dài 10 năm, Rosetta đã bắt gặp các thiên thạch như Steins và Lutetia, sau đó trải qua 31 tháng ở chế độ tạm nghỉ để tiết kiệm tài nguyên trước khi tiếp tục cuộc săn tìm sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Kể từ khi bắt kịp hồi ngày 6 tháng 8 vừa qua, con tàu không người lái của ESA đã ổn định quỹ đạo và hiện đang chuẩn bị cho lần hạ cánh lịch sử lên bề mặt sao chổi.

ESA cho biết không chỉ phát hiện mùi của sao chổi, bằng cách đo đạt các loại khí, các nhà thiên văn có thể xác định thành phần hóa học của sao chổi, nguồn gốc của nó tại vành đai Kuiper khác gì so với những sao chổi bắt nguồn từ đám mây Oort và thậm chí là tìm ra bằng chứng cho thấy sự sống bắt đầu như thế nào trong hệ Mặt Trời.

 

Theo Tinh Tế