Sắp có gió mùa Đông Bắc, giữ cơ thể như thế nào để không ốm?

Sắp có gió mùa Đông Bắc, giữ cơ thể như thế nào để không ốm?

Đợt gió mùa đầu tiên chuẩn bị tràn về miền Bắc, mặc dù đợt gió mùa này không gây rét đậm – rét hại hay làm nhiệt độ giảm sâu. Tuy nhiên, khi hình thế thời tiết thay đổi, người dân cần chú ý để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Mỗi khi có gió mùa, điều đầu tiên cần nhớ phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt là quàng khăn. Có thể buổi sáng đi làm, đi học trời nắng nhưng chiều tối hay bạn về muộn rất có thể bị lạnh. Do đó, bạn đừng chủ quan mà phải mang thêm áo khoác mỏng hoặc áo len để giữ ấm cơ thể. Ngoài ra, nếu thời tiết hạ nhiệt độ thấp, bạn chú ý quàng khăn để giữ ấm cổ. Bởi cổ họng là khu vực rất nhạy cảm với trời lạnh. Nếu không cẩn thận rất dễ bị viêm họng dẫn đến cảm cúm, thậm chí là cảm lạnh.

Khi gió mùa về, nhiệt độ thấp hơn, bạn không nên dùng nước đá. Bởi khi dùng nước đá rất lạnh, nhiệt độ bên ngoài cũng thấp, họng dễ bị viêm. Thay vì dùng nước đá, bạn có thể dùng nước ấm hoặc nước đun sôi để nguội.

Sắp có gió mùa Đông Bắc, giữ cơ thể như thế nào để không ốm?

Khi ra đường cần đeo khẩu trang để ngăn gió lạnh thâm nhập vùng mũi và họng. Lưu ý sử dụng nước muối súc miệng để sát trùng họng vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy.

Khi trời trở lạnh đừng quên đeo tất chân, găng tay ấm áp. Điều này giúp bạn không bị nhiễm lạnh. Thậm chí, cước chân hay đau chân, tay mỗi khi gió lạnh cũng tránh được dễ dàng.

Bên cạnh đó, khi trời lạnh hơn dễ xảy ra sốc, đột quỵ khi nhiệt độ thay đổi đột ngột. Trước khi ra khỏi nhà, nên đi lại trong nhà trước rồi mới ra bên ngoài. Không nên ra ngoài đột ngột có thể bị cảm lạnh, choáng váng hay các bệnh khác về tim mạch gây nguy hiểm.

Không chỉ có giữ ấm cơ thể bằng khăn, tất, găng tay mà còn phải lưu ý giữ ấm ngôi nhà của bạn. Sửa sang lại cửa sổ, cửa chính, thông gió để đảm bảo không bị gió lùa. Bạn phải che kín những chỗ có thể khiến gió lạnh thâm nhập.

Chế độ ăn uống trong những ngày gió lạnh cũng cần phải lưu ý. Tuyệt đối không bỏ bữa, thực hiện  ăn chín – uống sôi, dùng những thức ăn được đun nóng, ấm áp. Không ăn thức ăn quá nguội, cơm đã để qua đêm khiến bạn bị lạnh bụng, gây đau bụng và tiêu chảy.

Phòng bệnh cho trẻ nhỏ

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ nhi khoa Đức Linh cho hay, thời tiết thay đổi là thời điểm trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Mỗi khi có gió mùa Đông bắc, nhiều bệnh viện lại đông đúc trẻ em đến khám do viêm họng, viêm phổi, viêm đường hô hấp.

Không giống viêm phổi ở trẻ lớn với những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều, ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, viêm phổi diễn biến rất nhanh và dấu hiệu lại thường không điển hình, dễ bị bỏ qua. Với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi thì dấu hiệu sốt, ho là những dấu hiệu không quan trọng, thậm chí nhiều trẻ không sốt (chỉ hâm hấp) và không ho nhưng đã bị viêm phổi rất nặng.

Vì thế, việc quan sát những dấu hiệu toàn trạng của bé, đặc biệt là tình trạng bú của trẻ là rất quan trọng, nếu thấy trẻ bú ít hơn bình thường, ngủ nhiều li bì bất thường… cha mẹ cần quan sát nhịp thở, quan sát lồng ngực trẻ thấy bất thường nên đưa đến viện khám, một chuyên gia về sơ sinh cho biết.

Cho nên, khi thời tiết chuyển lạnh, phụ huynh phải lưu ý giữ ấm cho trẻ. Trong đó, đặc biệt duy trì chế độ ăn, tránh gió lùa, không dùng điều hòa nhiệt độ. Khi người lớn mới đi ngoài trời vào không bồng bế, ôm ấp trẻ ngay dễ truyền hơi lạnh khiến trẻ bị ốm. Theo dõi sát sao việc ngủ, ăn, bú sữa của bé để phát hiện những bất thường. Khi trẻ bị ốm, tuyệt đối không tự chữa tại nhà, phải đi khám bác sĩ để có phác đồ điều trị hợp lý, không tự mua thuốc hạ sốt tại nhà.

Thùy Trang

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.