Đừng tưởng cứ là sếp thì hiển nhiên phải nghiêm túc, minh mẫn, nhìn xa trông rộng và hoàn hảo đến từng cen ti mét nhé! Không thể phủ nhận tài lãnh đạo và năng lực cá nhân của sếp, nhưng đôi khi những tính cách “dở hơi” của sếp cũng khiến nhân viên chỉ biết kêu trời! Vậy, đối với những sếp có tính cách “bất thường” thì nhân viên phải “điều trị” làm sao?
Sếp “đồng bóng”
Dấu hiệu để nhận ra sếp có tính “đồng bóng” không khó, thông thường típ người này rất dễ biểu hiện cá tính ra bên ngoài từ cách ăn mặc, dáng đi đến cử chỉ điệu bộ và lời nói đều rất ‘khác’ người thường. Tính tình có vẻ sốc nổi, dễ buồn vui, nói năng văng mạng xong lại cười hề hề, phục trang thường điệu đà và chau chuốt, thích màu nổi hoặc phong cách dị biệt.
Trong công việc thì rất tỉnh táo và giải quyết vấn đề rất nhanh, trong mối quan hệ với nhân viên thì sẽ có những ‘ưu ái’ khác biệt dành cho từng người: Sếp mà yêu quý nhân viên nào thì hiện ngay ra mặt, anh chị em ấy cứ gọi là tha hồ “vùng vẫy” chốn công sở mà chả ngại bị ai xét nét vì đã có sếp “bảo kê”, kể cả anh chị em ấy có vô kỉ luật một lý, làm việc trễ deadline nhiều tý thì cũng vô tư đi vì đã có sếp lo! Nhưng nếu nhân viên nào ‘ngược ý’ sếp, thì hãy coi chừng cái ‘án’ sa thải treo lơ lửng trên đầu, ngoài ra sếp có tính ‘đồng bóng’ rất ưa nịnh, tính tình khá ‘sớm nắng chiều mưa’, nhân viên nào “sở hữu” sếp đồng bóng cũng khá vất vả để hiểu và chiều theo ý sếp!
Vậy với sếp có tính “đồng bóng”, nhân viên ‘điều trị’ ra sao?
Thực ra đối với típ người có tính “đồng bóng”, họ là những người rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, luôn mong muốn người khác yêu mến mình, đôi khi họ phải “xù lông” lên để không cho ai thấy cái yếu đuối bên trong con người họ.
Nếu bạn có một vị sếp có tính đồng bóng thì không nên cáu giận hay thù hằn gì với họ, có rất nhiều cách để “lấy lòng” môt cách chân thành như nói thật, đừng làm sai, hãy biết khen ngợi sếp chân thành nếu như hôm đó sếp của bạn mặc đẹp hoặc vừa hoàn thành một deadline có tầm cho công ty. Chỉ những điều đơn giản, được nói ra từ tấm chân tình của bạn thì những vị sếp có tính “đồng bóng” đến đâu cũng không thể ghét bạn được.
Sếp “ba phải”
Đây là một trong những kiểu sếp dễ gây ức chế nhất cho nhân viên, thành phần “đức cao vọng trọng” này thường là “con cháu các cụ cả”, chuyên môn không có, bản lĩnh riêng lại càng không. Được đặt vào một vị trí quá lớn so với năng lực nên những vị sếp “ba phải” chỉ biết hùa theo ý kiến của số đông.
Kè kè bên cạnh lúc nào cũng cần phải có “quân sư” quyết định hộ tất cả mọi việc, nếu nhân viên có hỏi thì sẽ tảng lờ “sẽ xem xét”, hoàn toàn không đồng ý cũng không phủ quyết, mẫu sếp này làm nhân viên dưới quyền rất dễ hoang mang vì không biết định hướng thế nào cho công việc.
Vậy nhân viên nên làm gì khi “sở hữu” một vị sếp ba phải như vậy?
Dù bạn có ấm ức với kiểu lãnh đạo này đến đâu thì cũng vẫn phải chấp nhận một thực tại rằng họ là cấp trên của bạn, vì thế hãy tỏ ra tôn trọng thay vì tìm cách “hạ bệ” sếp (nếu bạn làm được điều đó thì xin chúc mừng, còn nếu không người ‘out’ sẽ chính là bạn). Tìm hiểu xem người nào là quan trọng nhất, là cánh tay phải đắc lực của sếp và trao đổi công việc trực tiếp với người đó thay vì xin hướng chỉ đạo từ những vị sếp “tám cũng ừ mà tư cũng gật” này!
Sếp “dê xồm”
Đây là một trong những vấn nạn nơi công sở, là nỗi ám ảnh của chị em nhân viên khi dưới quyền một ông sếp có máu “dê xồm”. những tay sếp có máu dê thường hay chú ý đến những cô nhân viên trẻ đẹp hơn là các “bà cô già” chốn công sở. Cô nào chẳng may lọt vào “mắt xanh” của sếp thì cứ liệu đường mà sống nếu như không đủ can đảm nghỉ việc. Khoan hãy nói đến chuyện trao đổi tình –tiền với những cô nàng công sở chủ động kiếm chác từ sếp dê, những nhân viên nữ có nhân cách sẽ không muốn thỏa hiệp và chịu đựng một gã đàn ông mà cô ấy không ưa “sàm sỡ” dù cho đó là sếp của cô ấy.
Vậy với sếp có tính “dê xồm”, nữ nhân viên phải làm gì?
Thông thường, để một tay sếp có thể nổi “máu dê” thì “nạn nhân” thường có ngoại hình bắt mắt, vì thế để tránh tình trạng lọt vào “mắt xanh” của sếp, chị em nhân viên công sở đi làm nên chọn cho mình những bộ đồ kín đáo, thanh lịch, tránh hở hang quá đà kích thích thị giác của sếp.
Trong hành vi, cử chỉ giao tiếp tuyệt đối không đùa cợt những câu chuyện có liên quan đến những ngôn ngữ nhạy cảm, không đùa bỡn đụng chạm vào người nhau thân mật để tránh bị lạm dụng, thường xuyên đi ăn đi giao lưu cùng các đồng nghiệp, giữ khoảng cách với sếp nếu bạn thấy sếp có dấu hiệu để ý đến bạn.
Nếu như sếp cố tình gợi ý “chuyện ấy”, hãy thẳng thắn đối đầu và nói năng cương quyết, rõ ràng, nếu sếp đe dọa hãy tiên liệu và chuẩn bị sẵn máy ghi âm đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Và nếu như bạn không thể tôn trọng và chịu đựng một gã sếp “dê xồm” thì tốt nhất là bạn nên nhảy việc!
Phượng Ớt
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.