Sếp độc đoán hay hòa đồng thì tốt?

Sếp độc đoán hay hòa đồng thì tốt?

Tôi đã từng nhảy việc dăm bảy lần. Vì nhiều lý do, trong đó có những lý do cá nhân, cũng có những lý do khách quan đem lại. Nhưng trong những kinh nghiệm về “nhảy việc” của mình, có khi đúng, có khi sai, tôi thấy có một điều chắc chắn chính xác, đó là: những ông sếp nào luôn luôn tỏ vẻ lắng nghe ý kiến của nhân viên, thậm chí dễ dàng thay đổi quyết định của mình chỉ vì một bài phát biểu hăng hái của nhân viên, thì ông sếp ấy chỉ là đồ vô dụng.

Không tin, ai đó thử ngẫm lại mà xem. Các ông sếp độc đoán luôn bị ghét, bảo thủ càng bị ghét, khăng khăng làm theo ý mình thì chắc chắn bị nhân viên nguyền rủa. Nhưng bao giờ cũng vậy, như một cỗ máy cần một hướng đi, cho dù là đi về hướng bắc nhưng khởi hành hướng nam đi chăng nữa thì trái đất hình tròn, sớm muộn cũng có ngày đến nơi. Nghĩa là một ông sếp độc đoán, bảo thủ, chắc chắn sẽ có nhiều lúc sai, nhưng ít nhất thì công ty vẫn sẽ vận hành theo một cách riêng của nó, tìm kiếm được đối tượng khách hàng riêng của nó và tồn tại với cái kiểu riêng của nó. Dù “cái kiểu riêng” của nó tréo ngoe đi nữa, nghe nực cười đi nữa thì cuối cùng, hoặc nó sẽ chết rất nhanh, hoặc nó thản nhiên tồn tại. Và chỉ cần nó tồn tại là người làm ở đó có lương, và ai cảm thấy phù hợp với sự tréo ngoe của nó thì có quyền ở lại, ai khó chịu thì đi. Chắc chắn, dù bạn là người ở hay đi, bạn cũng có quyền thanh thản. Theo tôi, sợ nhất là phải làm việc cho một ông/bà sếp luôn ra cái vẻ lắng nghe và thấu hiểu nhân viên. Luôn ra cái vẻ dân chủ và sẵn sàng điều chỉnh quyết định của mình sau khi nghe được ý kiến nhân viên nào đó xem chừng có lý. Nhưng sếp như thế đôi khi khá ba phải, kém cỏi và không bản lĩnh. 

Sếp độc đoán hay hòa đồng thì tốt?

Đừng vội cho rằng tôi không bình thường khi không thích sếp dân chủ hòa đồng. Tôi cũng không thích những người bảo thủ, cứng đầu, thậm chí cãi chày cãi cối vì sĩ diện. Nhưng ngẫm ra, những người quyết chiến đến cùng chỉ để che giấu cái sai của mình, thì người ta sẽ chịu trách nhiệm về công việc tốt hơn, thậm chí tạo ra hiệu quả lớn hơn, “đẻ ra tiền” hơn hẳn những người luôn nghe ngóng tìm kiếm sự hài lòng của đám nhân viên. Bởi lẽ, những người quá chú ý đến thái độ của nhân viên, quan điểm của nhân viên, thì sau khi nghe chị A thuyết phục, dù đã quyết định rồi sẽ sẵn sàng chuyển hướng xoành xoạch theo cách của anh B vì anh B có vẻ phát biểu hăng hái hơn, trầm hùng hơn và “oánh” vào tâm lý của sếp nhiều hơn.

Tất nhiên, làm việc với một ông/bà sếp độc đoán, bạn sẽ luôn cảm thấy lép vế và ấm ức. Sẽ không ít lần, ý tưởng tâm huyết của bạn bị ném vào sọt rác. Không hiếm khi bạn đang cần ông/bà ấy lắng nghe nhưng nhận được câu nói phũ phàng kiểu: “tôi không muốn nghe thêm gì nữa. Nhưng đồng ý đi, dù một quyết định hay dở gì chăng nữa, khi đã được ban ra và thi hành thì ít nhất cũng sẽ đem lại hiệu quả nào đó. Có thể nó ít, có thể nó nhiều, thậm chí có khi nó làm công ty nợ nần thêm một khoản kếch sù, nhưng tin đi, với những ông/bà sếp độc đoán, bảo thủ, họ thấm thía những sai lầm lắm. Có thể họ sai nhưng cái sai ấy không lặp lại nhiều đâu. Họ đều sẽ có “sỏi” trong đầu và cực kỳ tỉnh táo trong những lần sau, bởi vì họ biết mỗi một sai lầm của họ đều trả quá lớn không như những người “thân thiện, dễ gần”, kiểu “luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu”, họ sẽ để cho bạn trình bày ý tưởng một cách thoải mái, rồi khi bạn ngồi xuống, trong lúc họ chưa hết gật gù tán thưởng thì họ sẽ để cho người khác nói. Người này sẽ nói ngược lại với quan điểm của bạn hoàn toàn, và người ta sẽ lại tiếp tục gật gù. Biết đâu họp xong lại có người xin vào gặp sếp để trình bày tiếp. Tin đi, nửa năm sau, vấn đề vẫn sẽ chả đâu vào với đâu. Và nếu bạn làm ở một công ty kinh doanh, bạn sẽ bị nợ lương liên tục. Và mọi thứ sẽ đổ vỡ, sẽ hổ lốn, chỉ vì một người quản lý “biết lắng nghe”.

Tôi nói không quá lời, rằng tất cả những ông/bà quản lý thành công, họ đều độc đoán. Nếu giả sử có một người thành công mà lại tạo ra được sự thân thiện, lắng nghe nhân viên, thì tôi cá là họ giả vờ hoặc là truyền thông đưa tin ra vẻ thế thôi. Không có một người quản lý nào có thể thành công nếu không độc đoán. Và theo quy luật, dưới quyền của họ sẽ luôn là những nhân viên răm rắp phục tùng, bởi vì những người không phục tùng nổi đã nhảy việc lâu rồi.

Tôi vẫn còn nhớ bà quản lý cũ của công ty mà tôi từng làm việc hơn một năm. Bà ấy, với cặp kính cận của mình, sẵn sàng nghe ý kiến của bất kỳ nhân viên nào và cứ thấy hợp lý là gật gù phê duyệt. Cuối cùng, bà ấy bị khống chế hoàn toàn bởi một cấp dưới chiếm quyền và mấy hợp đồng thua lỗ liền nhau chỉ vì người dưới quyền của bà ấy thuyết phục bằng lí lẽ nghe… đúng quá! Khi phát hiện ra nó không còn đúng nữa thì tiếng nói của bà ấy không còn trọng lượng nữa rồi.

Ngân Giang

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.