Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic ngày 21/5 tuyên bố Serbia sẽ có phương án bốn hướng nhằm khắc phục hậu quả thảm họa lũ lụt vừa qua, trong đó tập trung vào hệ thống năng lượng điện, cơ sở hạ tầng đường bộ, sửa chữa nhà ở và khuyến khích tăng trưởng kinh tế.
>>> 44 người chết vì trận lụt tại Serbia và Bosnia-Herzegovina
Ông Vucic cho hay hệ thống năng lượng điện Serbia chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận lụt, chỉ riêng ngành công nghiệp năng lượng điện Serbia đã chịu tổn thất lên tới 200 triệu euro.
Ngoài ra, Serbia đang sản xuất ít điện hơn, do vậy mỗi ngày thiệt hại từ 500.000 đến 1 triệu euro. Trước hết, Serbia cần bắt đầu khai thác trở lại mỏ than đá, mặc dù việc vận chuyển than tới nhà máy năng lượng Kolubara sẽ vấp phải khó khăn. Cơ sở hạ tầng đường bộ đã bị hư hại nhiều hơn đường sắt, và một số con đường sẽ ngừng hoạt động giao thông trong một thời gian dài.
Cảnh ngập lụt ở Obrenovac, cách thủ đô Belgrade, Serbia khoảng 40km ngày 18/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ông Vucic nêu rõ việc sửa chữa cơ sở hạ tầng đường bộ sẽ được triển khai trong 10 ngày tới. Trong khi đó, việc sửa chữa nhà ở cho người dân cần thực hiện khẩn cấp, những người bị mất nhà cửa sau lũ sẽ được cung cấp nơi ở tạm thời.
Ngoài ra, khía cạnh thứ 4 của việc khắc phục hậu quả lũ lụt liên quan tới khuyến khích tăng trưởng kinh tế và khôi phục toàn bộ tiềm năng kinh tế, một vấn đề thiết yếu đối với sự phát triển của quốc gia vùng Balkan này.
Đợt mưa lớn trong tuần trước gây vỡ bờ sông Sava và các nhánh của nó, khiến nước nhấn chìm nhiều khu vực rộng lớn và gây ra hàng nghìn vụ lở đất. Số người thiệt mạng trong trận lụt lịch sử ở khu vực này đã lên đến 49 trường hợp. Hơn 100.000 người ở Bosnia-Herzegovina đã phải sơ tán, khoảng 32.000 người ở Serbia phải rời khỏi nhà, trong khi 15.000 người ở Croatia phải tìm nơi sống tạm.
Khu vực Balkan còn đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ, cũng như hiểm họa từ bom mìn sót lại sau cuộc nội chiến 1992-1995, vốn nằm sâu dưới đất nay bị nước lũ xới lên.
Theo Vietnam+