Siêu địa chấn, siêu sóng thần đe dọa Đông Nam Á

Các trận động đất lớn ngoài khơi quần đảo Sumatra, Indonesia ngày 12-9 vừa qua có thể dẫn đến một cơn địa chấn khổng lồ gây ra sóng thần, dẫn đến cái chết của hàng trăm nghìn người trong khu vực.

Thảm họa từ một siêu động đất hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần. Và không chỉ Indonesia mà cả Bangladesh và Myanmar cũng nằm trong vùng nguy hiểm.

Từ hôm 12-9, quần đảo Sumatra rung chuyển dữ dội bởi trận động đất mạnh tới 8,4 độ Richter và liên tiếp 51 đợt dư chấn, trong đó có hai đợt mạnh tới 7,8 và 7,1 độ Richter. Báo Straits Times (Singapore) dẫn lời chuyên gia địa chất nổi tiếng Kerry Sieh cho biết những cơn địa chấn này hình thành một “vòng sức căng” quanh dải Mentawai (quần đảo Mentawai, phía tây Sumatra). Đây là khu vực do hai kiến tạo địa tầng Indo – Australia và Sunda tạo ra.

Dân làng Serangai, Indonesia khốn khổ khi đi lánh nạn vì đường sá hư hỏng do động đất (Ảnh: TTO)

Siêu địa chấn

Theo giáo sư Sieh, thuộc ĐH Công nghệ California, nếu khu vực này không chịu nổi sức căng, nó sẽ tạo ra một cơn “siêu địa chấn” mạnh từ 9-19 độ Richter. Đi kèm theo đó là những đợt sóng thần cực lớn đánh thẳng vào tỉnh Padang trên quần đảo Sumatra. “Tình huống hiện tại giống như một vụ đâm tàu hỏa sắp sửa diễn ra”, giáo sư Sieh nhận định. Đợt thiên tai khủng khiếp đó có thể cướp đi sinh mạng của ít nhất 100.000 người.

Giáo sư Sieh cũng cho biết “siêu địa chấn” có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ nay cho đến ba thập niên nữa. Tuy nhiên, những diễn biến địa chất ngoài khơi đảo Sumatra vừa qua cho thấy nhiều khả năng nó sẽ diễn ra trong tương lai gần hơn. Trận động đất và sóng thần tháng 12-2004 cũng bắt nguồn từ cơ chế tương tự khi dải Aceh-Andaman (quần đảo Andaman tại vịnh Bengal) gãy vỡ do sức ép.

Trong cái rủi có cái may

Ngày 14-9, khu vực ngoài khơi đảo Sumatra lại hứng chịu thêm một cơn dư chấn mạnh 6,6 độ Richter, khiến chính quyền Indonesia đưa ra cảnh báo sóng thần mới (lần thứ sáu trong ba ngày qua). Chính quyền Jakarta cũng đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với thành phố Bengkulu và Padang, những nơi bị các trận động đất vừa qua tàn phá nặng nề nhất.

Hãng Reuters dẫn lời các chuyên gia khẳng định Indonesia đã hai lần may mắn trong đợt động đất vừa qua. Thứ nhất, các cơn địa chấn đã tạo ra những đợt sóng thần cao hơn 3m. Tuy nhiên chúng không đánh vào bờ mà lại xô ra biển. Nguyên nhân do hiện tượng lòng biển gãy vỡ – cơ chế tạo ra động đất – lần này có sự khác biệt so với vụ động đất tháng 12-2004. Còn đợt sóng thần nhỏ đánh vào Padang thì không gây ra nhiều thiệt hại.

May mắn thứ hai là động đất diễn ra vào buổi chiều tối thay vì ban đêm như tháng 12-2004. Lúc đó người dân Indonesia kịp chạy thẳng ra đường khi mặt đất bắt đầu rung chuyển nên số người thiệt mạng chỉ là 13.

Giáo sư Sieh cho biết ở khu vực Mentawai, cứ 200-230 năm có một cơn “siêu địa chấn”, và đã có hai vụ động đất lớn như vậy xảy ra vào các năm 1797 và 1833. “Chúng tôi có thể đo được độ căng của kiến tạo địa tầng này, do đó có thể khẳng định chúng ta đang ở thời điểm nguy kịch”.

Chính giáo sư Sieh là người dự báo thành công cơn địa chấn tại dải Nias-Simeulue, nằm giữa dải Mentawai và Aceh-Andaman ba tháng sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2004. Để dự báo về nguy cơ động đất và sóng thần tại khu vực Sumatra, giáo sư Sieh và các cộng sự sử dụng hệ thống thu thập thông tin từ hệ thống định vị toàn cầu và quá trình theo dõi hệ thống san hô tại Sumatra.

Siêu sóng thần

Trong khi đó, nghiên cứu của Cơ quan Khoa học địa chất Úc cảnh báo một trận động đất mạnh từ 8,5-9 độ Richter có khả năng xảy ra ở khu vực ngoài khơi Myanmar và Bangladesh trong vòng vài thập niên tới hoặc xa hơn. Khi đó, sóng thần cao nhiều mét từ vịnh Bengal ngoài khơi Ấn Độ Dương sẽ đánh thẳng vào Bangladesh và vùng bờ biển phía tây Myanmar.

“Số người thiệt mạng có thể lên đến hơn 1 triệu”, Hãng tin AP dẫn lời giáo sư Phil Cummins, tác giả nghiên cứu, khẳng định. Nguyên nhân là do vùng bị ảnh hưởng rất gần thành phố Chittagong đông dân thứ hai tại Bangladesh, trong khi có hàng chục triệu người khác sống ở những vùng ngang mực nước biển trong khu vực.

Tuy nhiên, giáo sư Cummins thừa nhận sẽ rất khó để thuyết phục chính quyền Bangladesh và Myanmar thực hiện các biện pháp chuẩn bị đối phó với thảm họa, bởi đây không phải là một hiểm họa ngay trước mắt. Nhiều chuyên gia địa chất như giáo sư Sieh ủng hộ nghiên cứu của Cơ quan Địa chất Úc. Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại nhận định khả năng xảy ra sóng thần ở vịnh Bengal là hoàn toàn có thể, tuy nhiên quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Sri Lanka chứ không phải là Myanmar và Bangladesh.

HIẾU TRUNG

 

Theo Tuổi trẻ