Cách bờ biển phía tây bắc của Thái Bình Dương có một đường đứt gãy địa chất. Đường đứt gãy này có thể làm rung chuyển nhiều thành phố của Mỹ và Canada với sức mạnh tương đương trận động đất tại Chile.
Một cây cầu tại thành phố Talca, Chile sập vì trận động đất ngày 27/2. Ảnh: Reuters.
AP cho biết, đường đứt gãy (đường phay) nói trên không hoạt động trong hơn 300 năm, nhưng khi nó tỉnh giấc – có thể vào ngày mai hoặc vài chục năm nữa – hậu quả có thể rất khủng khiếp.
Những mô hình giả lập trên máy tính gần đây cho thấy một cơn địa chấn có cường độ từ 9 độ Richter trở lên và kéo dài 2-5 phút có thể phá hủy các công trình xây dựng, đường cao tốc và cầu từ tỉnh British Columbia của Canada tới khu vực phía bắc bang California, Mỹ.
Cơn địa chấn như vậy cũng có thể tạo nên những đợt sóng thần mạnh trong vài phút. Những thành phố lớn như Portland và Seattle của Mỹ có thể chống được sóng thần, song những khu vực thấp dọc bờ biển sẽ không may mắn như vậy.
“Khu vực tây bắc của Thái Bình Dương từng xảy ra những đợt rung lắc giống hệt trận động đất vừa xảy ra tại Chilie. Vấn đề là cơn địa chấn tiếp theo sẽ xảy ra vào khi nào”, Brian Atwater, một nhà địa chất của Cục Địa chất Mỹ và Đại học Washington, phát biểu với AP.
Trận động đất gần đây nhất ở vùng tây bắc trên Thái Bình Dương có cường độ 9 độ Richter và xảy ra vào năm 1700. Nó gây nên những đợt sóng thần có độ cao từ 1 tới 1,2 m. Sóng thần ập sang phía châu Á, phá hủy nhiều làng mạc ven biển của Nhật Bản.
Đoạn cuối đường phay ở phía nam bang Oregon và phía bắc bang California của Mỹ sẽ gãy trong 50 năm tới và tạo ra một trận siêu động đất. Đó là khẳng định của Chris Goldfinger, một chuyên gia về động đất của Đại học Oregon, Mỹ. Goldfinger cho rằng xác suất của hiện tượng này là 80%.
Theo VnExpress