Trong lịch sử tội phạm từng xuất hiện những anh em ruột, và sự lộ diện gần đây của các cặp huynh đệ trong các vụ khủng bố khiến nhiều người kinh ngạc. Ví dụ cụ thể nhất là hai anh em nhà Tsarnaev là Dzhokhar và Tamerlan trong vụ đánh bom giải marathon Boston (Mỹ) vào năm 2013, và mới đây anh em Saïd Kouachi – Cherif Kouachi đã tấn công tòa soạn Báo Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) khiến 12 người thiệt mạng. Bên cạnh những cặp anh em khủng bố, không thiếu những trường hợp con cái trong một gia đình rủ nhau đi làm kẻ giết người hàng loạt, chẳng hạn như anh em sinh đôi nhà Bondurant (Pete – Pat gây án ở hạt Giles, bang Tennessee vào thập niên 1980); anh em nhà Ranes (Larry – Danny vào thập niên 1960 – 1970 ở Michigan), anh em nhà Carr (Reginald – Jonathan đầu thập niên 2000 ở Kansas, Mỹ)…
Anh em nhà Kouachi là hung thủ trong vụ thảm sát tòa soạn Báo Charlie Hebdo
Có nhiều yếu tố góp phần vào những vụ giết người liên quan đến khủng bố “bao gồm thần kinh học, tính cách, xã hội và văn hóa”, trang tin Discovery News dẫn lời chuyên gia Robert Hanlon của Đại học Tây Bắc (Mỹ). Trong những trường hợp này, chuyên gia Hanlon cho rằng: “Một người có tính cách mạnh mẽ hơn đóng vai trò đầu đàn. Người còn lại chỉ đi theo và bị ảnh hưởng bởi người anh em của mình”. Tính riêng tại Mỹ, có đến 90% số tội phạm giết người mỗi năm là đàn ông. “Dựa trên những khác biệt về sinh học, tâm sinh lý và phát triển xã hội giữa hai giới, nam giới có khuynh hướng bạo lực hơn hẳn so với phụ nữ”, theo chuyên gia Hanlon.
Theo khía cạnh tâm lý học, hoạt động khủng bố là một dạng phụ của bạo lực và do nhiều nguyên nhân tác động. Nhà khoa học thần kinh Jeremy Richman của Tổ chức Avielle tại Newtown, bang Connecticut (Mỹ) bổ sung rằng mọi hành vi của con người đều được cấu thành từ gene di truyền và môi trường. Ở khía cạnh “tự nhiên”, mới đây các chuyên gia phát hiện 2 gene có thể làm tăng nguy cơ bộc phát hành vi bạo lực lên gấp 13 lần: MAOA và CDH13, hay còn gọi là “gene chiến binh”. Cuộc nghiên cứu do Giáo sư Jari Tiihonen của Viện Karolinska (Thụy Điển) dẫn đầu cho thấy nam giới nhiều khả năng mang hai gene này hơn so với nữ giới, và khả năng truyền lại cho các hậu duệ nam cũng cao hơn, theo báo cáo trên chuyên san Molecular Psychiatry.
Về khía cạnh “dưỡng dục”, một số báo cáo cho thấy môi trường nuôi dưỡng trẻ con có thể tạo ra tác động sâu rộng đối với cách thức não bộ xử lý thông tin. Chẳng hạn, Michaela Chraid của Đại học Bucharest (Romania) phát hiện trẻ lớn lên trong những gia đình bất ổn, bao gồm những trẻ bị đánh đập, trong tiềm thức có thể trở nên vô cảm trước bạo lực. Chúng thường chẳng có phản ứng khi chứng kiến những hành vi ghê rợn như hành quyết, khác với những trẻ được nuôi dạy trong môi trường ổn định và hiền hòa.
Chuyên gia Hanlon cho rằng nhiều kẻ giết người có khuynh hướng khủng bố thường thiên về các hoạt động bạo lực do tính cách tâm lý “vặn vẹo” của bản thân chúng. Do cá tính quá sức ác liệt, chúng thường tìm đến những tổ chức khủng bố để chứng tỏ bản thân. Tại đây, khuynh hướng bạo lực và công kích xã hội lại tiếp tục được những kẻ cầm đầu tích cực củng cố, và chúng có thêm động lực để giết người.