Số phận của những con ngỗng để sản xuất áo khoác lông vũ

Những con rắn hổ mang chúa khủng nhất từng bị tóm gọn

Những con ngỗng bị chết ngạt và gãy cánh do nhồi nhét trong lồng chật hẹp trước khi lên bàn mổ để thu gom lông sản xuất áo lông vũ.

Tổ chức bảo vệ quyền động vật PETA chia sẻ cảnh quay các công nhân ở một công ty chuyên cung cấp lông vũ quây những con ngỗng hoảng sợ và lùa chúng vào những chiếc lồng chật chội trước khi tàn sát, Long Room hôm 8/11 đưa tin. Ít nhất một con ngỗng bị đè tới chết và nhiều con khác bị ngạt thở trong video quay ở trang trại James Valley Colony tại Manitoba, Canada.

Sau đó, nhóm công nhân tóm cổ những con ngỗng, có gắng nhồi nhét chúng vào trong chuồng hết mức có thể để chuẩn bị cho hành trình hơn 5 tiếng tới lò mổ. Tại đó, họ trói chặt những con ngỗng, treo ngược chúng lên cao và cứa cổ từng con trước mặt đồng loại của chúng.

“Thật không nhân đạo chút nào khi giẫm đạp và làm đàn ngỗng ngạt thở, tóm cổ chúng và nhồi chúng vào những chiếc lồng nhỏ khiến chúng sợ hãi và khốn khổ suốt nhiều tiếng. PETA đang kêu gọi các khách hàng từ chối mua sản phẩm áo khoác lông ngỗng được sản xuất theo cách độc ác này và bất cứ thứ gì nhồi bằng lông của những con chim bị hành hạ”, Elisa Allen, giám đốc tổ chức PETA, cho biết.

Theo PETA, những con ngỗng đôi khi bị bỏ mặc trong lồng vận chuyển suốt cả đêm mà không có thức ăn hay nước uống và sau hành trình dài, các lồng nhốt chứa đầy phân và lông rụng. Sau khi giết mổ, cơ thể của nhiều con ngỗng có vết thâm tím dễ thấy và bị gãy cánh, kết quả do bị giam cầm trong lồng kim loại chật hẹp suốt thời gian dài.

Trang trại James Valley Colony ở Manitoba, Canada, chăn nuôi 130.000 con ngỗng mỗi năm và cơ sở Schiltz Foods ở South Dakota, Mỹ, là lò mổ ngỗng lớn nhất ở Bắc Mỹ. Trang trại James Valley Colony vận chuyển đàn ngỗng tới Schiltz để giết mổ và bán lông ngỗng cho công ty Feather Industries ở Toronto, nhà cung cấp lông cho công ty chuyên sản xuất áo lông ngỗng Canada Goose.

Trang trại James Valley Colony cho biết họ sẽ đào tạo nhân viên để đảm bảo những con vật được đối xử nhân đạo hơn khi đưa ra xe vận chuyển.

 

Theo VnExpress