Dù đó là việc chỉ xảy ra một lần, thỉnh thoảng hay thường nhật, nhưng nói dối dường như đôi khi là cách tốt nhất để khiến mọi việc trở nên trôi chảy. Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Brigham Young, các tin nhắn (SMS) chứa lời nói dối mất nhiều thời gian soạn thảo hơn và thường ngắn hơn những tin nhắn chân thật.
Ảnh: drowning-cs-major.tumblr.com
Dù được trang bị kiến thức đầy đủ nhất, con người vẫn tỏ ra kém cỏi trong việc nhận diện sự gian dối. Nhóm nghiên cứu nhận thấy, nhờ các phương pháp đo lường theo mẫu, họ có thể phỏng đoán các SMS gian dối chuẩn xác hơn.
Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí ACM Transactions on Management Information Systems, các tác giả đã xem xét 100 đối tượng trả lời 30 câu hỏi dưới dạng nhắn tin trên máy tính. Trước khi nghiên cứu bắt đầu, những người tình nguyện được yêu cầu nói dối trong khoảng một nửa số câu trả lời của họ. Kết quả cho thấy, họ mất thêm 10% thời gian để soạn thảo các câu trả lời gian dối và sau đó mất nhiều thời gian hơn để chỉnh sửa chúng.
Các chuyên gia cho hay, con người chỉ có thể nhận diện được lời nói dối trong 54% lượng thời gian. Và chúng ta thậm chí còn tồi tệ hơn trong truyền thông giao tiếp, giống như việc soạn tin nhắn, khi con người không thể quan sát lẫn nhau.
Tất nhiên, có nhiều lí do khiến mọi người không thể trả lời tin nhắn SMS ngay lập tức, nhưng nói dối chắc chắn là một trong số những nguyên nhân ấy. Việc hồi đáp chậm trễ cũng có thể do chủ nhân của SMS không được yêu thích.