Ngày con trai đưa người yêu về ra mắt, thực lòng bà chẳng có chút thiện cảm nào với cô con dâu tương lai vốn cậy mình là “gái phố” nên ăn nói thì chảnh chọe, thái độ lại có phần đỏng đảnh, kiêu ngạo. Tuy nhiên, không như những người mẹ khác, không ưng sẽ ra sức ngăn cản hay cấm đoán, bà vẫn vui vẻ tôn trọng sự lựa chọn của con trai mình. Bà bảo: “Hoàn cảnh của hai mẹ con vốn đã rất đặc biệt, bởi người chồng, người cha bạc bẽo đã bỏ đi theo người đàn bà khác từ khi con còn đỏ hỏn, mình bà ở vậy bao năm trời tự gồng gánh nuôi con. Nhìn con thiếu thốn tình cảm của người cha, lại lớn lên trong sự vất vả, nhọc nhằn cùng mẹ, bà tự nhủ, sau này dù có thế nào, bà cũng luôn tôn trọng mọi quyết định của con trai, miễn là con vui thì bà cũng coi đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của mình rồi.”
Sau đám cưới không lâu, con dâu bà cũng sớm mang thai và sinh nở. Vì là con gái rượu của một gia đình khá giả, bố mẹ không nỡ để con gái ở phòng trọ đi thuê, nên mua cho con trai và con dâu bà một căn hộ chung cư cao cấp, tiện nghi. Nghĩ chạnh lòng vì mình chẳng có điều kiện vật chất để giúp đỡ con, bà nhủ lòng thôi thì đem công, đem sức đến chăm con, chăm cháu để bù đắp vậy, và bàn với con trai đóng cửa căn nhà ở quê, bà sẽ xuống ở với các con vài năm, cho đến khi cháu cứng cáp rồi tính tiếp.
Thấy có bà xuống ở cùng, cô con dâu tỏ ra không mấy vui vẻ, thậm chí đôi khi còn khó chịu ra mặt. Có lần vô tình đi ngang qua cửa phòng, bà vô tình nghe thấy tiếng con dâu cằn nhằn với chồng: “Tự dưng lại để mẹ xuống đây làm gì, mất hết cả tự do, sao không thuê người giúp việc có phải thoải mái hơn bao nhiêu không”. Tự ái lắm, nhưng bà nghĩ, cũng phải thông cảm cho con dâu, bởi làm gì có ai là thích ở với mẹ chồng đâu, mình cứ đối xử thật tốt với con cháu bằng cả tấm lòng, rồi dần dần con dâu cũng sẽ thay đổi suy nghĩ mà thôi.
Những ngày sau đó, tất cả mọi việc chợ búa, nhà cửa, cơm nước, giặt giũ trong nhà đều do một tay bà làm cả, con dâu chỉ cần nằm trong phòng ôm con, cần gì ới một tiếng, là bà lại tất bật phục vụ tận nơi. Nhưng được vài bữa, con dâu bà lại kêu mệt, không bế được con, không ngồi cho con ăn được vì đau lưng, mỏi cổ, nhiệm vụ trông cháu lại dồn cả sang cho bà. Ngày đã tối mặt tối mũi như vậy, nhưng đến đêm, cháu ọ ẹ đòi ăn, đòi thay bỉm, con dâu lại lý do là “không dậy nổi” để đùn hết cho chồng. Thương con trai sáng dậy đi làm hai mắt thâm quầng, mặt mũi thì bơ phờ, bà lại đón cháu về phòng mình, cả đêm lục đục với cháu. Nhiều lúc mệt quá, bà thấy mình còn chẳng bằng… ô sin trong nhà, vì ô sin ít ra còn được thỏa thuận với chủ nhà về giờ làm, giờ nghỉ, ngày nghỉ, còn bà cả tuần, cả tháng chẳng lúc nào được ngơi chân ngơi tay.
Thực ra đã xác định muốn đỡ đần con cháu, thì vất vả thế, hay vất vả nữa bà cũng đều có thể cố gắng được, nhưng điều khiến cho bà buồn và lúc nào cũng suy nghĩ chính là thái độ, cách cư xử của con dâu đối với mình. Con trai bà công việc bận rộn, đi công tác xa triền miên, nhà chỉ còn lại hai mẹ con, nhưng dường như mỗi việc bà làm, dù lớn hay dù nhỏ, con dâu cũng đều tỏ ra không vừa ý, lúc nào cũng xoi mói và xét nét từng li từng tí. Bà đi rửa cho cháu chiếc bình sữa, con dâu cũng phải chạy từ trong phòng ra xem có đúng “quy trình” không, có sạch sẽ không. Bà giặt quần áo cho cháu xong đem phơi, con dâu chê còn nhiều mùi xà phòng và hậm hực bắt bà đem đi… giặt lại.
Chuyện cơm nước cũng vậy, mặc dù rất cố gắng thay đổi món thường xuyên, cố gắng nấu nướng cho đúng khẩu vị, nhưng cứ đến bữa là con dâu bà lại làm mặt mày nhăn nhó, ỏng eo chê món này nấu không đúng kiểu, món kia mặn/nhạt không ra gì… Ở với con dâu, bà cứ ngỡ mình bị “đổi vai”, và có lẽ, bà phải gọi con dâu là… mẹ chồng chắc mới hợp lý. Chẳng dám than thở, kể lể nửa lời vì sợ con trai mình suy nghĩ, sợ vợ chồng to tiếng, ảnh hưởng đến hạnh phúc của hai con, bà lại tự nhủ lòng mình thôi thì nhẫn nhịn thêm ít lâu, đợi cháu lớn thêm chút nữa, bà sẽ lại về quê.
Vì ở với các con, không làm ra tiền, nên con trai bảo con dâu mỗi tháng biếu bà chút ít, để cần gì bà còn chi tiêu. Nhận tiền của con, bà chỉ giữ lại số cần để gửi về quê lúc có đám cưới đám xin, giỗ chạp họ hàng, còn lại thừa bao nhiêu, bà lại mua sữa, mua bỉm hết cho cháu chứ không dám mua sắm, tiêu pha bất kì thứ gì cho bản thân mình. Tưởng rằng con dâu hiểu được điều này và trân trọng tấm lòng của bà, không ngờ có lần đêm hai bà cháu ngủ với nhau, vì thiếp đi mà bà quên không tắt điều hòa, để cháu bị lạnh và sốt cao kèm ho nhiều vào sáng hôm sau, vậy là con dâu mặt mày sưng xỉa, giằng lấy con và thậm chí còn quát thẳng vào mặt bà: “Mẹ trông cháu cái kiểu gì đấy? Sao lại để cháu bị ốm sốt thế này? Mang tiếng là bà trông cháu nội thật đấy, nhưng tháng nào con chẳng phải trả tiền công cho mẹ, nhận tiền rồi thì làm cũng phải có tí trách nhiệm chứ”.
Sửng sốt, ngỡ ngàng, bà giơ tay cho con dâu một cái tát nảy lửa. Cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương trầm trọng, bản thân thì không thể nhẫn nhịn thêm được nữa, bà gọi điện cho con trai về nói hết mọi chuyện, và đợi ngày một ngày hai cho cháu đỡ ốm, bà nhất định sẽ đi về, không bao giờ thèm nhìn mặt cô con dâu quá hỗn hào này nữa.
Hà Vy
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.