Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội chưa phát hiện ca nào bị sốt xuất huyết tử vong nhưng đã có 164 xã, phường của 29 quận huyện phát hiện tổng số ca mắc sốt xuất huyết lên đến 693 ca.
Còn trên địa bàn cả nước, có 19.753 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Cụ thể có 12 người tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết năm 2015 giảm đáng kể nhưng tình hình dịch ở phía Nam vẫn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết vẫn là xuất phát từ muỗi vằn. Vào thời tiết mùa mưa là thời điểm muỗi vằn đẻ trứng. Chúng đẻ trứng trong những dụng cụ mà nhiều người không chú ý đến như lọ hoa, chậu nước, bể nước, nước tù đọng, cây cảnh…Thậm chí, bọ gậy tập trung ở các dụng cụ đựng nước thải điều hòa, nước thải tủ lạnh. Ngoài ra còn có trong các dụng cụ chứa nước như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh, các đồ vật hoặc đồ phế thải, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum, vại, lốp xe, vỏ dừa,…
Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy diệt bọ gậy hàng tuần để đảm bảo không có nơi sản sinh ra muỗi truyền sốt xuất huyết là yếu tố quan trọng nhất trong phòng, chống sốt xuất huyết. Ngoài ra, việc phun hóa chất tiêu diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp quan trọng phòng chống và xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết, người dân cần phải phối hợp với các đơn vị y tế khi tiến hành phun để đảm bảo phun được tất cả các hộ gia đình và phun được ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ nhà này sang nhà khác, từ tầng dưới lên tầng trên.
Nhận diện muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, thân có màu đen, trên thân và chân có đốm trắng như vằn. Chúng thường đốt người vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Tất cả những khu vực trong nhà như góc, xó nhà, sọt rác, quần áo, dây phơi đều là nơi chúng trú ngụ.
Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa… Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.
Tự điều trị sốt xuất huyết dễ biến chứng
Theo bác sĩ Lan Anh (Chuyên khoa truyền nhiễm), sốt xuất huyết làm cho máu bị cô đặc lại. Chính điều này có thể dẫn đến tử vong và gây ra sốc. Tình trạng sốc có thể xảy ra ở ngày thứ 3-6 trong lúc bị bệnh. Sốc làm cho cơ thể bị lạnh, tím tái, nhiệt độ hạ thấp xuống. Kèm với hiện tượng đó là mạch nhanh nhỏ khó bắt, da lạnh nhớp mồ hôi, huyết áp tụt thấp. Nếu không được phát hiện kịp thời thì bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng hệ thần kinh và hô hấp gây lơ mơ, thở yếu. Sốc làm cho bệnh nhân tử vong trong 12-24 tiếng.
Cho nên nếu tự điều trị tại nhà sẽ không phát hiện kịp thời những hiện tượng gây sốc, biến chứng. Cho nên, tốt nhất cần phải đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, nhận chỉ định của bác sĩ có cần nhập viện hay không.
Phòng bệnh sốt xuất huyết?
“Để phòng bệnh sốt xuất huyết, cần chú ý đến công tác vệ sinh môi trường. Trong đó thường xuyên diệt bọ gậy, loăng quăng. Cách đơn giản nhất để diệt bọ gậy là thả cá vào trong dụng cụ chứa nước. Phát quang bụi rậm, dọn rác thải… là cách để tạo điều kiện sống trong lành và không để muỗi trú ngụ”, bác sĩ Lan Anh nói.
Ngoài ra, những ngày nghỉ cần ra quân diệt muỗi, ngủ màn. Loại bỏ các chất thải, hốc tự nhiên, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ.
Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ ngành y tế thực hiện phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết. Khi nghi bị sốt xuất huyết cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, cách ly tránh lây lan ra cộng đồng. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.
Đông Ngân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.