Anh tự tuyên bố rằng nọc rắn đã giúp mình trẻ ra và tránh được nhiều bệnh tật.
Cảnh báo: Nọc rắn độc vô cùng nguy hiểm, nếu các bạn có cơ hội thì cũng đừng bắt chước “thanh niên 50 tuổi” liều lĩnh, Steve Ludwin này.
Hơn 30 năm nay, người đàn ông mang tên Steve Ludwin này đã tiêm vào người mình nọc rắn, ban đầu là vì tò mò và về sau là vì những tác dụng tuyệt vời mà anh tự mình nhận thấy và khẳng định như vậy. Đã có rất nhiều chuyên gia y học, các nhà nghiên cứu khuyên rằng điều này là vô cùng nguy hiểm, và rằng nọc rắn tươi vẫn chưa được khoa học chứng minh là an toàn và có lợi, nhưng Ludwin bỏ ngoài tai những lời ấy và vẫn làm điều mà mình tin tưởng.
Steve Ludwin.
Người đàn ông đối mặt với tử thần suốt 30 năm để bảo vệ thứ mình tin tưởng
“Cơn đau xảy ra mỗi khi tiêm nọc rắn giống như có ai cầm cái búa tạ đập mạnh vào tay tôi, rồi lấy lửa đốt nó vậy”, anh Ludwin giải thích. “Chính sự tiến hóa đã bảo tôi không nên làm như vậy”. Nhưng hiển nhiên là anh không màng tới chuyện đó. Việc tiêm nọc dường như đã thành sở thích của anh chàng nhạc sĩ đến từ Anh Quốc này.
Dưới tầng hầm nhà anh là 17 con rắn, trong số đó có 15 con có độc, tới từ khắp nơi trên thế giới. Anh kể rằng từ thuở bé, anh đã bị loài bò sát này lôi cuốn: luôn yêu thích việc vẽ vời những con rắn đẹp, được ba mẹ mua cho một con trăn Nam Mỹ nhiệt đới khi còn nhỏ để nuôi nấng. Tuy nhiên, lúc ấy trong tâm trí anh chưa hình thành cái ý tưởng tiêm nọc rắn vào người cho khỏe.
Và ngày định mệnh ấy đã đến: anh gặp Bill Haast khi lên 10 tuổi và nhà nghiên cứu nọc rắn này đã cho anh một ấn tượng không bao giờ quên. Từ năm 1948, ông Haast đã thực hiện một thử nghiệm miễn nhiễm với nọc rắn trên chính cơ thể mình. Chuyên gia Haast đã bị rắn độc cắn tổng cộng 172 trong suốt sự nghiệp nghiên cứu của mình và dường như ông miễn nhiễm với nọc rắn cũng như không mấy khi đau ốm. Ông thọ 100 tuổi.
Chuyên gia về rắn Bill Haast khi còn trẻ.
Chính minh chứng sống này đã khiến anh Ludwin đi theo con được nguy hiểm này: dần dần tiêm những phần độc rắn nhỏ vào người để tự ép cơ thể xây dựng nên một hệ thống miễn dịch với nọc rắn.
Bản thân anh chính là ví dụ về niềm tin mà anh có với nọc rắn: Ludwin vừa miễn nhiễm với nọc rắn, vừa có sức khỏe dồi dào lại vừa khiến anh trẻ ra. Những kết luận này đều do tự anh khẳng định, chẳng có bằng chứng khoa học nào cho việc này cả. “Đa số người đều nói rằng tôi chẳng giống một người ở tuổi 50 chút nào”, anh nói. “Tôi thực sự nghĩ rằng mình đã gặp một thứ gì đó đặc biệt”.
Ludwin vừa miễn nhiễm với nọc rắn, vừa có sức khỏe dồi dào lại vừa khiến anh trẻ ra.
Hiển nhiên là việc không có bằng chứng khoa học sẽ đồng nghĩa với việc có vô số các nhà nghiên cứu phản đối việc anh Ludwin tự tiêm nọc rắn vào cơ thể mình như vậy: vừa không có cơ sở khoa học, lại vừa vô cùng nguy hiểm. Wolfgang Wüster, một giảng viên lão thành về môn động vật học tại Đại học Bangor, Xứ Wales không tin vào “bằng chứng sống” này. “Anh ấy tự công nhận rằng mình trẻ hơn so với tuổi và nhiều lợi ích khác nữa, nhưng hiển nhiên anh ấy chỉ là một ví dụ duy nhất cho việc này”.
Trải nghiệm (suýt) chết người
Không phải mọi chuyện đều suôn sẻ với anh, bởi lẽ thường là chơi với lửa chắc chắn bạn sẽ bị bỏng. Anh kể lại rằng 9 năm trước, anh đã suýt bỏ mạng khi quá liều nọc rắn. Lúc ấy, anh đã tiêm một lúc 3 loại nọc rắn khác nhau vào tay, một thử nghiệm cực kì thiếu cân nhắc và đó là một thảm họa.
Ngay khi nọc rắn đi vào cánh tay anh, anh đã biết rằng có điều gì không đúng với liều nọc rắn lần này. Bàn tay anh sưng phồng lên thành kích cỡ của một chiếc găng tay chơi bóng chày, cánh tay anh tràn dịch và sưng lên cho tới phần vai.
Tay anh Ludwin bị phồng sau khi tiêm nọc rắn, tất nhiên đây không phải là tai nạn 30 năm về trước.
Khi anh nói với bác sĩ rằng mình đã tiêm 3 thứ nọc rắn khác nhau vào tay mình, họ đã không tin điều đó là thật. Anh phải nằm 3 ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt và bác sĩ đã nói với anh rằng, rất có thể họ sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn cánh tay dính nọc rắn của anh, nếu anh Ludwin còn muốn giữ lại mạng sống của mình. Cuối cùng, họ đã chẳng phải cắt bỏ thứ gì cả, mà anh Ludwin vẫn toàn mạng trở về nhà.
Một tuần sau, các bác sĩ khăng khăng rằng họ muốn gặp lại anh lần nữa. Họ đã nghiên cứu cánh tay dính độc của anh và vô cùng bất ngờ rằng họ chưa bao giờ thấy tốc độ hồi phục đáng ngạc nhiên như vậy. Anh Ludwin tin rằng đó chính là khả năng miễn nhiễm anh có được nhờ lượng nọc rắn đã từng tiêm trước đó. Và có lẽ nếu như anh bị rắn độc cắn, thì khả năng sống sót của anh là vô cùng cao.
Thay đổi đã đến với anh, khi mà chính thói quen tiêm nọc rắn này của anh trở thành một công cụ nghiên cứu khoa học, mở ra những cánh cửa mới cho mảng nghiên cứu nọc độc và cách chống nọc độc.
Lấy nọc rắn.
Mục đích là để cho ra một loại thuốc kháng độc rắn mới
Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hàng năm có 100.000 người chết do rắn cắn, hơn 300.000 người khác bị ảnh hưởng vĩnh viễn do rắn cắn. Năm 2010, một trong những nhà sản xuất thuốc kháng nọc rắn hàng đầu thế giới dừng việc sản xuất loại thuốc chính của mình, với lý do “thiếu nguồn cầu và dường như không có đột biến gì trong nhu cầu thị trường tương lai”.
Thế là giá thành của những loại thuốc kháng độc rắn tăng lên, khiến cho những người bị rắn cắn tại các quốc gia đang phát triển khó có thể tiếp cận với những loại thuốc này, hoặc là không có khả năng tài chính trang trải cho tiền thuốc. Chưa hết, các nhà sản xuất thuốc ngày nay sử dụng kĩ thuật đã có từ hơn 100 năm trước. Họ lấy nọc rắn tươi, tiêm cho ngựa, dê hoặc là cừu.
Nhiều tuần sau, người ta sẽ lấy kháng thể từ những con vật ấy, khi mà hệ miễn dịch của chúng đã có khả năng kháng lại độc tố của nọc rắn.
Steve Ludwin lấy nọc rắn để chuẩn bị tiêm vào người.
Bốn năm về trước, các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen đã liên hệ với Ludwin, với mong muốn tạo ra một quá trình sản xuất thuốc kháng độc hoàn toàn mới. Thay vì sử dụng máu của động vật, họ muốn sử dụng máu của anh Ludwin. Kháng thể từ một con người chắc hẳn sẽ phải nhiều phần tốt hơn loài vật.
“Bản thân cơ thể anh Steve là một nhà máy sản xuất. Nó tạo ra những kháng thể chống lại nhiều loại nọc rắn khác nhau”, Brian Lohse, người đứng đầu nghiên cứu cho hay. “Anh ấy là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa”.
Nếu như nghiên cứu này thành công, các nhà khoa học sẽ két hợp với những tổ chức phi lợi nhuận hay những tổ chức từ thiện để tạo ra thuốc kháng độc với một mức giả rẻ hơn hiện tại. “Nếu không có ADN của anh Steve, chúng tôi sẽ không thể làm được những điều này”.
Có lẽ đây là lần đầu tiên, việc sản xuất thuốc kháng độc rắn được nghiên cứu và sản xuất từ mẫu máu của người.
Từ năm 2013 tới nay, anh Ludwin đã bay tới Copenhagen 4 lần một năm để hiến máu và tủy xương cho khoa học. Giữa những khoảng thời gian ấy, anh giữ một bản ghi chép chi tiết về những loại nọc rắn, liệu lượng nọc mà anh đã tự tiêm vào người. Có lẽ đây là lần đầu tiên, việc sản xuất thuốc kháng độc rắn được nghiên cứu và sản xuất từ mẫu máu của người.
Ông Lohse nói rằng đây là trường hợp duy nhất, chủ yếu là do việc này quá nguy hiểm. Dù rằng ông rất vui vì đã có anh Ludwin làm người thử nghiệm, nhưng ông không hề muốn người khác noi gương “chàng trai 50 tuổi” liều lĩnh này.
“Tôi cảm thấy mình như một con mèo và đã sử dụng hết 8 mạng sống của mình vậy. Nếu như tôi gặp một tai nạn nữa, có lẽ đó sẽ là điểm kết”, anh Steve Ludwin, người đã tiêm nọc rắn vào cơ thể mình suốt 30 năm trời thổ lộ. “Tôi sẽ vẫn tiêm nọc rắn vào cơ thể mình vì những đức tin mà chính tôi đã tạo ra, nhưng chắc chắn rằng tôi sẽ dừng việc này trong tương lai và dần tiêm ít nọc rắn hơn”.