Cánh bướm trước nay vẫn được xếp vào nhóm các vật liệu mỏng manh nhất trong tự nhiên. Mặc dù vậy, mới đây các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra rằng cánh của loài côn trùng này có khả năng giúp tăng năng suất quá trình sản xuất Hydro – một loại nhiên liệu xanh – từ ánh nắng Mặt trời và nước.
Theo Tiến sĩ Tongxiang Fan thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, một trong những công nghệ để sản xuất nhiên liệu Hydro phổ biến là dùng ánh nắng để phân tách nước thành các nguyên tử Hydro và Oxy. Vì vậy, vật liệu hấp thu ánh sáng tốt hơn sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất hiệu quả hơn. Trong khi đó, theo nhà sinh vật học này, cánh bướm từ lâu đã được phát hiện là có vô số cấu trúc thu nhận ánh Mặt trời tí hon, giúp nó làm nóng cơ thể để chao liệng trên không. Vì thế, ông cho rằng cánh bướm biết đâu có thể trở thành loại vật liệu hữu ích cho quá trình sản xuất Hydro.
Ê-kíp của Tiến sĩ Fan bắt đầu dùng loài bướm đen châu Á Papilio Helenus để nghiên cứu, vì màu đen được xem là có khả năng hấp thu ánh sáng tốt nhất. Các chuyên gia đã dùng phần cánh của nó để sản xuất ra titanium dioxide – một loại chất xúc tác dùng trong phản ứng tách nước. Kết hợp titanium dioxide vừa sản xuất với các phân tử nano platinum chuyên dùng, các chuyên gia nhận thấy hiệu suất tách nước thành Hydro và Oxy của ánh nắng đã thật sự tăng lên gấp đôi.
Theo Báo Cần Thơ, Sciencedaily