Sử dụng quần tất thế nào để đảm bảo sức khỏe ngày đông?

Sử dụng quần tất thế nào để đảm bảo sức khỏe ngày đông?

Chị Ngọc Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vào mùa đông, chị vẫn giữ thói quen mặc váy khi đi làm nên quần tất là món phụ kiện không thể thiếu. “Quần tất khá mỏng manh nên tôi không dám giặt bằng máy giặt như quần áo thông thường vì sợ quần tất bị xước, rách. Vì phải giặt bằng tay, thời tiết lại lạnh nên mặc quần tất 2 lần tôi mới giặt”, chị kể.

Thực tế, đa số chị em đều suy nghĩ giống chị Hà, sợ quần tất rách, xước nên hạn chế giặt thường xuyên, mặc khoảng 2 – 3 lần mới đem giặt. Các chị em không hề biết rằng, việc làm này đã vô tình biến quần tất thành môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, nảy nở.

Sử dụng quần tất thế nào để đảm bảo sức khỏe ngày đông?
Quần tất bó sát nên có thể gây bí bách, ngứa ngáy khi mặc

Bác sỹ da liễu Thanh Hằng cho biết, quần tất thường được dệt bằng sợi tổng hợp nên có tác dụng giữ ấm, nhưng cũng đồng thời giữ ẩm. Vì thế, quần tất là môi trường hoàn hảo để vi trùng, nấm men phát triển.

“Thời tiết lạnh là điều kiện tốt nhất để vi khuẩn sinh sôi, cộng thêm việc không giặt quần tất sau khi mặc sẽ khiến da có thể bị ngứa ngáy. Với những chị em không mặc quần lót trước khi mặc quần tất thì còn có thể bị nhiễm trùng tiết niệu”, bác sỹ Hằng nói.

Quần tất ôm, bó sát cơ thể nên có thể gây ra những rắc rối về mồ hôi. Ví dụ những hôm thời tiết đang lạnh chuyển sang ấm áp, cơ thể rất dễ đổ mồ hôi, quần tất bí bách, nếu không làm bằng các chất liệu thấm hút tốt thì sẽ rất ẩm ướt, gây khó chịu. Vì thế, quần tất còn là một trong những nguyên nhân gây mụn hoặc làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn. Nhiều chị em bị đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là ở lòng bàn chân thì quần tất còn có thể là thủ phạm khiến chị em bị nhiễm nấm ở chân hoặc chân bị sưng tấy và ngứa ngáy.

Có một thực tế là các loại quần áo ôm sát cơ thể sẽ tạo được sự lôi cuốn cho người mặc vì khoe được những đường cong. Tuy nhiên, đã có những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, người thường xuyên mặc đồ ôm bó chặt vào cơ thể rất dễ có nguy cơ mắc các bệnh về đường tiết niệu, xoắn tinh hoàn hoặc buồng trứng, suy yếu chức năng bàng quang.

Những lưu ý khi sử dụng

Bác sĩ Đông Y Minh Đức cho hay, để ngăn ngừa những tác hại không mong muốn mà quần tất đem lại, khi mua sắm, các chị em nên mua những sản phẩm uy tín, có thương hiệu. Hiện trên thị trường có những loại quần tất mà giá thành rất rẻ nhưng được làm từ chất liệu không tốt nên khả năng co giãn, thấm hút kém, gây bí bách và khó chịu khi mặc.

“Quần tất mới mua về, chị em có thể bọc trong túi nilon và để trong ngăn đá tủ lạnh khoảng 1 ngày. Cách làm này khiến quần tất giảm nguy cơ bị xước khi mặc.

Sau khi mặc xong, chị em nên giặt ngay, không nên mặc 2 – 3 lần mới mặc, nhằm tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Vì thế, chị em nên mua nhiều quần tất để thay đổi khi mặc”, bác sĩ nói.

Khi sử dụng, chị em nên đọc kỹ hướng dẫnbảo quản ghi trên nhãn mác sản phẩm. Bởi một số loại quần tất có thể cho vào máy giặt, trong khi một số loại khác lại đòi hỏi phải giặt bằng tay.

Đối với những loại quần tất có thể giặt máy, hãy cho chúng vào túi giặt đồ lót chuyên dụng và giặt riêng. Cách làm này nhằm tránh quần tất bị cào xước do vướng mắc vào các món đồ có chi tiết sắc nhọn như cúc, khóa, đá đính trên quần áo… Giặt xong, không nên cho quần tất vào máy sấy khô. Hãy để quần tất khô tự nhiên, phơi ở những nơi thông thoáng, có gió, ánh nắng không chiếu trực tiếp.

Nếu giặt tay, bạn không nên sử dụng các loại xà phòng mà chỉ nên vò nhẹ bằng dầu gội đầu hoặc sữa tắm rồi bóp nhẹ chứ không vắt. Có một mẹo rất hữu ích giúp quần tất bền hơn là nhỏ ít dấm vào nước ấm và ngâm quần tất đã được giặt sạch, đợi khoảng 15 – 20 phút mới đem phơi. Cách này sẽ giúp các sợi tất dai hơn, đỡ phai màu và còn khử được mùi hôi.

Minh Minh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.