Theo các nhà nghiên cứu Đại học Leeds và Copenhagen, thế giới loài kiến còn xa mới trở thành mô hình xã hội hợp tác, nó đang tràn ngập sự gian lận và tham nhũng, và lên đến cả những tầng lớp trên cùng.
Kiến vẫn thường được cho rằng làm việc cùng nhau vì lợi ích của bầy hơn là cho lợi ích cá nhân. Nhưng tiến sĩ Bill Hughes thuộc Khoa khoa học sinh học đại học Leed đã tìm ra bằng chứng phá bỏ ảo tưởng này.
Cùng với giáo sư Jacobus Boomsma thuộc đại học Copenhagen, ông đã tìm khám phá ra một số con kiến đã tìm cách lừa cả hệ thống, để đảm bảo con của chúng trở thành kiến chúa có khả năng sinh sản hơn là trở thành kiến thợ không có khả năng sinh sản.
“Lý thuyết đã được thừa nhận cho rằng những con kiến chúa được tạo ra bởi sự chăm sóc; một số ấu trùng nhất định được cho ăn thức ăn riêng để thúc đẩy sự phát triển thành kiến chúa và tất cả các ấu trùng này đều có cơ hội như nhau,” tiến sĩ Hughes giải thích. “Nhưng chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm ADN dấu chân trên 5 đàn kiến xén lá và khám phá ra con của một số tổ tiên có nhiều khả năng trở thành kiến chúa hơn những con khác. Những con kiến này có gen “hoàng gia”, tạo cho chúng lợi thế không công bằng và chúng có thể đánh lừa những chị em của chúng và khiến chúng không có cơ hội trở thành kiến chúa.”
Kiến chúa và kiến thợ thuộc loài kiến cắt lá (Ảnh: D.R. Nash) |
Nhưng điều làm ngạc nhiên các nhà khoa học đó là những dòng gen “hoàng gia” luôn luôn hiếm hoi trong mỗi đàn.
Tiến sĩ Hughes cho biết: “Giải thích đúng nhất chỉ có thể là những con kiến này có những bước tính toán thận trọng để tránh khỏi phát hiện. Nếu có quá nhiều kiến thuộc một dòng gen phát triển trở thành kiến chúa trong riêng một đàn, những con kiến khác có thể nhận thấy và có hành động chống lại. Vì vậy những con kiến đực với gen hoàng gia đã tiến hóa để làm cách nào đó đưa những con non của chúng rộng ra các đàn khác và vì vậy tránh được sự phát hiện. Sự hiếm hoi của dòng máu hoàng gia thực tế là một chiến lược tiến hóa bằng cách lừa dối để tránh khỏi đàn áp lại của số đông mà chúng đang lợi dụng.”
Một vài lần mỗi năm, những đàn kiến sinh ra những con đực và kiến chúa mới, chúng bay khỏi đàn của mình để tìm bạn tình và giao phối. Những con đực chết một thời gian ngắn sau khi giao phối và những con cái tiếp tục tìm những đàn mới. Các nhà nghiên cứu thích thú nghiên cứu quá trình này, để xác định xem giả thuyết của họ là chính xác hay không và chiến lược giao phối của những con đực với dòng gen hoàng gia để đảm bảo sự hiếm hoi của chúng, nhằm giữ những lợi ích của chúng mà không bị phát hiện bởi những con “thường dân” khác.
Tuy nhiên, khám phá của các nhà khoa học chứng minh rằng, mặc dù những bầy đàn côn trùng thường được trích dẫn như bằng chứng rằng xã hội có thể dựa trên chủ nghĩa quân bình và hợp tác, chúng không quá tuyệt vời như chúng ta tưởng.
“Trong khi nghiên cứu những côn trùng như kiến hoặc ong, những mặt có tính chất hợp tác trong xã hội của chúng thường được phơi bày ra trước tiên”, tiến sĩ Hughes nói. “Tuy nhiên, khi bạn nhìn một cách sâu hơn, bạn sẽ thấy được những xung đột và dối trá – và hiển nhiên xã hội con người cũng là bằng chứng hoàn hảo về vấn đề này. Chúng ta đã tưởng rằng kiến là một ngoại lệ, nhưng các nhà phân tích về di truyền đã cho thấy xã hội của chúng cũng tràn ngập tham nhũng – và tham nhũng của tầng lớp hoàng gia!”
Theo Trà Mi (Physorg)