Tôi làm việc trong môi trường công sở đã 5 năm. Thời gian đủ để tôi đúc rút nhiều kinh nghiệm sống và cả việc thăng chức của bản thân lên thành một trưởng phòng nội dung trong một công ty truyền thông.
Tiếp xúc với rất nhiều ứng viên trẻ vào phỏng vấn và nhân sự trẻ tuổi. Tôi nhận ra một vài điều bỏ túi, dùng để quản lý nhân viên trẻ rất hiệu quả: ma mới thường hay huênh hoang về bản thân nhưng thực chất là non nớt trong tuổi đời lẫn tuổi nghề, với típ này chỉ cần “đập chết” cái ảo tưởng của “bọn chúng” là xong. Nói thật cay nghiệt, nói như tát nước vào mặt nhưng kiểu ngọt ngọt mà lọt đến tận xương “bọn chúng” sẽ cạch đến già và biết “kinh nhi viễn chi” mình.
Với “ma mới” là típ có năng lực thật sự và có cá tính, thì việc mình cần để “bọn chúng” nể là dùng lời lẽ và hành động để chứng minh là tất cả mọi thứ mình đều giỏi giang hơn chúng nó. Nhẹ nhàng thôi nhưng mà “bọn chúng” hiểu ngay ra vấn đề. Còn với típ “ma mới” cúc cung tận tụy, gọi dạ bảo vâng thì thôi, coi như biết điều, không cần dùng thủ thuật làm gì, miễn là được việc.
Tất cả những bí kíp cư xử với đồng nghiệp “chiếu dưới” được tôi áp dụng từ khi lên chức phải nói là rất hiệu quả. Tất nhiên không thể tránh khỏi những tiếng bấc tiếng chì sau lưng tôi là loại người nham hiểm, tham vọng này kia…nhưng tôi không quan tâm lắm đến những người nói xấu sau lưng tôi vì ai cũng hiểu, vị trí của họ mãi mãi là ở sau lưng người khác nên cứ để họ tự an ủi cái thảm hại của chính mình. Tôi đến đây là để làm việc, tạo dựng sự nghiệp chứ không rảnh để tranh cãi dăm ba cái chuyện tào lao!
Đợt này, công ty tôi mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động sang sản xuất các chương trình truyền hình nên cần bổ sung thêm nhân sự. Một số CV ấn tượng gửi về và tôi chọn được một team khá tốt để gây dựng chương trình từ đầu.
Vào làm việc, có một cô bé gây ấn tượng với tôi bởi cá tính khá dữ dội. Khi tôi đưa ra yêu cầu làm việc và chốt deadline tất cả mọi người đều nhất trí chỉ riêng cô bé đó phản đối và nói rằng, để lên được một format tử tế thì thời gian cần gấp đôi, tôi nói “chốt deadline xong nếu có vấn đề gì còn sửa” thì một lần nữa “ma mới” bật lại “đã làm thì phải nhất định nó là hoàn hảo nhất, còn làm để sửa thì không phải tác phong của người chuyên nghiệp”. Tôi nhếch mép cười, lòng thầm nghĩ “ngựa non háu đá, rồi tôi sẽ dạy cho cô một bài học” và đồng ý rời deadline lại với cam kết là phải hoàn hảo. Cô bé đồng ý!
Hai tuần sau tôi nhận lại bản đề cương và…choáng. Thực sự không phải là một team bình thường, nó thực sự là một format “ra tiền”. Tuy lòng thấy nể và sướng vì dù sao tôi cũng là người chịu trách nhiệm dự án, nhưng trong lòng vẫn thấy không hài lòng về cách cư xử của “chiếu dưới” nên tôi cố tìm ra lỗi vớ vẩn để bắt bẻ và…tôi lại bị “xé vé” một lần nữa bởi cô bé cá tính kia.
Thừa nhận rằng ngay cả tôi ở thời điểm này cũng không thể nghĩ ra một cái kịch bản đề cương chi tiết và sáng tạo, khả thi đến thế. Nhưng tôi là cấp trên, dù sao cô bé cũng cần phải học hỏi, thế nên là cái thái độ “cãi nhem nhẻm” và bật lại sếp như vậy, tôi thấy hơi nóng mặt.
Một khi mà đã rơi vào danh sách đen của tôi rồi thì một là nghỉ việc hai là vâng lời. Trước giờ chưa có ma mới nào chịu nổi ba chiêu: vạch lá tìm sâu, chọc gậy bánh xe, gắp lửa bỏ tay người của tôi (những chiêu này chị sếp cũ đã từng sử dụng rất thành thạo với tôi cho tới khi tôi đủ lông đủ cánh để có thể chống lại và ngồi lên vị trí này, tôi nhận thấy nó thực sự hiệu quả nên lại áp dụng với ma mới theo kiểu của riêng tôi).
Tôi nhận thấy mình có xấu tính thật, nhưng thái độ của cô bé ấy khiến tôi cảm thấy mình không được tôn trọng và quan trọng hơn là cô ta có khả năng, tương lai sẽ đe dọa vị trí của tôi, vậy nên…
Đi muộn dù là một phút, phạt. Ăn sáng trong giờ làm việc, phạt. Để giày dép không đúng nơi quy định, phạt. Ba lỗi phạt ngớ ngẩn trong một tháng là đủ để bị điểm trừ trong bản nhận xét thử việc. Xem tin tức, dùng facebook trong giờ làm việc, phạt. Cãi lại trưởng phòng khi bị phạt, thái độ không tôn trọng cấp trên, cảnh cáo. Chỉ cần 2 lần cảnh cáo nữa thôi là cô ta sẽ bị cho nghỉ việc một cách chính đáng.
Hôm ấy cuối tuần. Cô ấy bảo muốn nói chuyện riêng với tôi và xin tôi một chút thời gian. “Có lẽ biết sợ rồi đây…” tôi đắc thắng.
Cô ấy vào thẳng vấn đề “em biết chị không có thiện cảm với em. Nhưng em vẫn muốn công tư phân minh, nếu em làm được việc, với tư cách là sếp, chị nên ghi nhận, những lỗi nhỏ kia chị có thể viết mail nhắc nhở để lần sau em không tái phạm thay vì chị phạt lỗi em như vậy. Công việc của em cần sự sáng tạo, nhưng không có nghĩa em là người tùy hứng, vô kỉ luật. Em rất muốn làm việc tại công ty này vì muốn chứng tỏ cho mọi người thấy em là đứa được việc, vì thế em mong chị hãy giơ cao đánh khẽ em ạ!”.
Tôi nhìn cô bé “chiếu dưới” lên mặt giáo điều vài câu sát thương để cô hiểu là ở đâu cũng có những luật ngầm và cần phải biết cách cư xử. Cô bé nhìn tôi một hồi rồi “ngày 6/1/2010 chị vào đây làm việc, đã gây sự với sếp nữ là bị liệt vào danh sách đen. Ngày 20/6/2010, chị làm bản đề xuất vượt cấp gửi cho trợ lý giám đốc và được ghi nhận, thoát khỏi sếp cũ của chị. Ngày 14/7 2011, chị bắt đầu lên làm trưởng nhóm, sử dụng tài liệu của một đối thủ là bạn học cũ đưa cho để xào lại làm của mình. Vì việc đó mà hai người đã không nhìn mặt nhau. Đầu 2012, chị lên chức trưởng phòng nội dung vì đi cửa sau với phó tổng giám đốc…chị còn muốn em đọc hết lý lịch của chị không?”
Tôi rụng rời hết chân tay, từng chặng thăng tiến của tôi, tại sao cô ta có thể biết? “Cô định uy hiếp tôi chăng?”
Cô bé im lặng không nói gì. Và tôi hiểu, tôi cần phải làm gì.
Sau hôm đó, tôi lục tung CV của cô ta để tìm tung tích mà tuyệt nhiên không ra đầu mối, có lẽ nào cô ta dùng lí lịch giả để vào công ty? Một đứa trẻ tập tọe vào đời sao có thể nghiên cứu về tôi rõ như thế và làm một cái đề cương có tầm thế kia? Tôi không khỏi hoang mang.
Cho đến một hôm tình cờ tôi phát hiện ra thân thế của kẻ không tầm thường kia. Hóa ra con bé ấy chính là con gái ruột của sếp tổng, đi du học ở Mỹ và về luôn công ty tôi làm việc ở vị trí thấp nhất như một ma mới. Có lẽ nó đã nghiên cứu rất nhiều về tôi và các vị trí trong công ty này.
Từ ngày bị con bé “đọc vị” tôi đứng ngồi không yên, chẳng biết số phận mình sẽ ra sao? Có nên nhảy việc trước khi bị đuổi hay cứ im lặng đến khi bị nghỉ? Nói thật đây là một công việc mà tôi yêu thích với mức lương khó có thể từ chối. Nhưng nghĩ đến việc mình phải làm việc với “cấp dưới” mà lại “cửa trên” của mình, lại còn biết đủ thứ về mình, tôi cứ thấy băn khoăn…
Mĩ Khanh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.