Sữa bột và những điều cần chú ý khi pha sữa cho con
Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại sữa công thức cho trẻ ở mọi lứa tuổi. Theo bác sĩ khuyến nghị bạn nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp theo sau đó bạn cũng có thể tiếp tục cho con bú sữa mẹ . Tuy nhiên vì một lý do nào đó mà mẹ phải cho con bú sữa công thức. Lần đầu tiên làm mẹ, bạn sẽ rất lo lắng khi cho con bú sữa ngoài. Hôm nay mình xin chia sẻ những kinh nghiệm cho con bú sữa ngoài để bạn tránh những sai lầm không đáng có.
Chọn sữa cho con
Với hàng loạt những nhãn hiệu sữa công thức có trên thị trường các mẹ cũng rất bận tâm không biết loại nào phù hợp cho con yêu của mình. Theo mình thấy có nhiều mẹ chạy theo xu hướng chọn sữa ngoại vì nghĩ nó đắt hơn nên chắc sẽ tốt hơn theo nguyên tắc “ tiền nào của nấy”. Tuy nhiên có những bé không hợp với một loại sữa thì thường xuyên bị táo bón hay nôn trớ. Theo mình thì sữa nội hay sữa ngoại gì cũng được, quan trọng nhất là phù hợp với con. Chỉ cần bé uống sữa không bị bón, vẫn tăng cân đều và thích thú với hương vị của sữa là ổn.
Bên cạnh đó bạn cũng nên quan tâm đến tình hình hiện tại của bé mà có sự chọn lựa cho hợp lý. Ví dụ như bé đang biếng ăn, thường xuyên bị tiêu chảy do hệ thống tiêu hoá còn non trẻ, bị trào ngược dạ dày, hay đang bị béo phì đều có những loại sữa phù hợp trên thị trường. Bạn nên hỏi ý kiến của chuyên gia khi con bạn có những biểu hiện lạ.
Không pha sữa bằng nước quá nóng hay quá nguội
Pha sữa bằng nước quá nóng sẽ làm những vitamin nhóm B, lysin, axit folic….dễ bị hư hỏng, mà những chất này rất quan trọng với sự phát triển của bé. Còn nếu pha sữa với nước quá nguội sẽ làm sữa không tan hết, bị dính lại thành bình, bé sẽ không nhận được đủ số lượng cần thiết.
Vì vậy khi pha sữa nên chú ý nhiệt độ khoảng 35- 45 độ C là được, tức là bạn pha khoảng 2/3 nước lạnh là 1/3 nước nóng là được, bạn cho sữa vào và lắc mạnh để sữa tan hết trong nước.
Không được hâm nóng sữa bằng lò vi sóng
Bạn không nên hâm sữa bằng lò vi sóng vì sức nóng của lò vi sóng không đều, có thể bình thì không quá nóng nhưng sữa thì đã rất nóng, nhiệt độ cao sẽ làm mất những chất dinh dưỡng của sữa. Để hâm sữa thì mình ngâm bình sữa vào một ca nước nóng, cách này mình thấy được.
Không cho bé uống sữa sau khi pha để quá 1 giờ
Bạn không nên cho bé uống phần sữa đã pha nhưng để quá 1 giờ. Vì sữa pha để lâu có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao. Bạn nên pha sữa và cho bé bú ngay, bỏ đi những phần sữa đã để quá 1 giờ.
Chưa tiệt trùng bình sữa
Có rất nhiều bà mẹ tiệt trùng bình sữa cho con rất qua loa. Mỗi ngày bạn nên đun bình sữa khoảng 5 phút, sau đó thì bạn có thể rửa sạch bình sữa bằng nước ấm và nước rửa bình sữa là được. Ngoài ra mình nghĩ bạn cũng nên rửa bình ngay sau khi bé bú hết, như vậy sẽ loại bỏ nguy cơ nhiễm khuẩn của sữa và vẫn bám lại thành bình cho lần uống sữa sau.
Không nên pha sữa bằng nước luộc rau, nước trái cây hay nước cháo
Các công ty sản xuất sữa đã tính toán đến công thức chuẩn nhất cho sản phẩm sữa của mình đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, nên các bà mẹ không nên tự ý pha bằng nước luộc rau, nước canh, nước cháo hay nước trái cây đâu nhé.
Trong nước cháo có nhiều lipoxidase là chất sẽ phá huỷ vitamin A, nếu pha bằng nước cháo mẹ vô tình làm mất lượng vitamin A cần thiết cho bé.
Trong nước luộc củ dền, cà rốt có nhiều nitrat, nếu dùng để pha sữa cho con rất dễ dẫn đến tình trạng bị ngộ độc.
Nước trái cây có vị chua chứa axit khi gặp protein có trong sữa sẽ làm sữa bị kết tủa không tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ.
Không nên pha sữa bằng nước khoáng hay nước tinh khiết
Trong nước khoáng hay nước tinh khiết có những thành phần khoáng chất như canxi, natri…..khi pha chung với sữa thì tạo ra tình trạng dư thừa khoáng chất. Dư thừa canxi dễ dẫn đến sỏi thận, táo bón….Vì vậy bạn nên sử dụng nước tự nhiên đun sôi để nguội là có thể pha cho con để đảm bảo tính an toàn nhé.
Không được pha sữa loãng hay đặc hơn so với quy định của nhà sản xuất
Có nhiều mẹ muốn con mình được cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn nên pha thêm 1-2 muỗng sữa so với quy định của nhà sản xuất. Bên cạnh đó lại có những bà mẹ tiếc tiền nên pha lượng sữa ít hơn so với quy định. Điều này thật không nên chút nào. Nếu sữa quá đặc sẽ gây tình trạng mất nước cho trẻ, còn nếu pha loãng quá thì trẻ lại không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
Tay phải thật khô khi pha sữa cho con nhé!
Khi tay bạn bị ướt thì có thể những giọt nước sẽ bắn vào sữa, sữa sẽ bị ẩm và bị vón cục lại, khi pha sữa cho con bạn nên để tay mình thật khô ráo nhé. Ngoài ra bạn cũng nên đậy kín nắp hộp sữa sau khi pha sữa để đảm bảo an toàn cho sữa bên trong hộp.
Ngậm núm vú để thử nhiệt độ của sữa
Trong miệng chúng ta có hàng ngàn vi khuẩn, nếu bạn ngậm núm vú để thử nhiệt độ sữa cho con vô tình sẽ để lại vi khuẩn trên núm vú, trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm vi khuẩn từ mẹ. Tốt nhất bạn nên nhỏ vài giọt sữa xuống cổ tay, thấy ấm ấm là có thể cho bé uống.
Không nên dùng sữa để uống thuốc.
Có rất nhiều trẻ không thích uống thuốc, để dụ con uống thuốc bạn cho con uống sữa (thay vì uống thuốc với nước trắng) vì nghĩ sữa có độ ngọt tự nhiên nên àm giảm vị đắng của thuốc. Tuy nhiên nếu làm vậy vô tình bạn sẽ tạo thuận lợi cho những thành phần trong thuốc phản ứng với những chất có trong sữa tạo ra những chất làm giảm hiệu quả của thuốc. Tốt nhất bạn nên cho con uống thuốc bằng nước trắng, nếu đắng quá bạn có thể pha vào đó ít đường.
Nuôi con thật không đơn giản đúng không? Chỉ mỗi chuyện uống sữa thôi đã có quá nhiều những lưu ý. Đôi khi xuất phát từ tấm lòng của mẹ mà thôi nhưng kết quả lại gây hại cho bé. Bạn nên cân nhắc trước khi làm một việc gì đó khác thường nhé.
Chúc bé luôn khoẻ mạnh, hay ăn chóng lớn. Chúc mẹ có thêm những kiến thức bổ ích để chăm sóc con yêu của mình!
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.