Sau khi kem lột trắng da giá rẻ bị tẩy chay, sữa non làm trắng da xuất hiện và nhanh chóng hút khách bằng những lời quảng cáo “có cánh” là hàng nhập khẩu, thành phần 100% sữa non cô đặc, có tác dụng làm giảm lượng melanin, đồng thời bổ sung vitamin, acid amin cho da, an toàn tới mức có thể dùng cho da em bé và thậm chí… ăn được. Tuy nhiên, sự thật về công dụng và chất lượng của loại thần dược gây sốt này lại là một vấn đề đáng bàn.
Sữa non làm trắng da được quảng cáo như “thần dược” nhưng chất lượng rất tù mù. |
Hàng “nhập khẩu” xuất xứ… Việt Nam
Sữa non cô đặc là sữa non (dê, bò) nguyên chất được cô đặc theo một quy trình đặc biệt, có cấu trúc giống với sữa non của người mẹ sau sinh khoảng 72 giờ. Nếu đúng là tinh chất sữa non nguyên chất được sản xuất theo qui trình tiệt trùng đảm bảo an toàn kết hợp thêm với một số vitamin và các khoáng chất thiết yếu thì sẽ có tác dụng thẩm thấu sâu vào da, giúp cân bằng độ ẩm, đào thải hắc sắc tố melanin, kích thích tăng sinh collagen, elastin, protein, thúc đẩy sự tái tạo tế bào da mới cho làn da trắng mịn rạng rỡ… Chính vì tác dụng kỳ diệu đó mà mặt hàng này được chị em phụ nữ đặc biệt quan tâm và truyền tai nhau mua về để tân trang nhan sắc. Trên thị trường hiện đang có nhiều mặt hàng sữa non kích trắng được rao bán ở hầu hết các tiệm mỹ phẩm và đặc biệt trên mạng internet diễn ra khá rầm rộ, chỉ cần bỏ ra từ 50.000 – 80.000 đồng là có thể mua ngay được sản phẩm sữa non Việt Nam hoặc trên dưới 150.000 đồng là có thể sở hữu ngay một chai sữa non tắm trắng “ngoại”, mua trên 10 hộp giảm 30%, mua càng nhiều giá càng rẻ. Trong vai người đi “đánh” hàng, phóng viên (PV) tìm đến một đầu mối chuyên cung cấp sữa non tại Hà Nội từng được rao bán trên nhiều diễn đàn, trang web với những lời quảng cáo “trên trời”: nhập khẩu 100% từ Hà Lan, Pháp, Đức, thành phần thiên nhiên, không gây kích ứng, an toàn “tuyệt đối”! Tuy quảng cáo là hàng “nhập” nhưng tất cả sản phẩm đều không hề có chứng từ nhập khẩu và được đựng trong những chai nhựa sơ sài, kem sền sệt trắng đục có mùi hắc nồng khó chịu đặc trưng của hóa chất, bao bì in tiếng nước ngoài, chữ nhòe nhoẹt với giá bán sỉ chỉ từ 20 – 25 nghìn đồng/hộp. Đối với những loại kém chất lượng hơn, giá còn rẻ hơn bao gồm cả sữa, bao bì và nhãn mác… Thậm chí, nếu mua với số lượng lớn thì giá còn có thể hạ xuống. Tiếp tục liên hệ với một đầu mối chuyên phân phối sữa non kích trắng khác, PV được người này cho biết cơ sở sản xuất của anh ta là đại lý cho hầu hết các cơ sở thẩm mỹ, spa uy tín khắp cả nước. Loại sữa non mà người này quảng cáo là sữa non tự chế, đóng chai lavie trông rất mất an toàn nhưng vẫn được anh ta khẳng định sản phẩm nhà mình có nguồn nguyên liệu sạch, 100% tự nhiên, thanh trùng và vì tự sản xuất nên cần bao nhiêu cũng có (?!), thích nhãn mác thương hiệu nào cũng làm được (?!). Đặc biệt người này còn tiết lộ, thực tế, loại sữa non hiện nay trên thị trường được quảng cáo là hàng nhập khẩu nhưng tất cả đều chỉ là hàng tự pha chế (!!) Vậy, câu hỏi đặt ra là: Khi ai ai, đâu đâu cũng bán sữa non tắm trắng thì lấy đâu ra nhiều sữa non đến thế? Liệu sữa non có sẵn như vậy thật không hay người sản xuất đã sử dụng hóa chất pha chế rồi bịt mắt người dùng? Và sản phẩm này có an toàn cho sức khỏe hay không?
Đừng mất tiền mua…bệnh
Nhanh chóng thu hút sự quan tâm của chị em và được tiêu thụ rất mạnh nhưng cũng nhanh chóng có rất nhiều nạn nhân kêu than vì da bị bong tróc, dị ứng sau khi sử dụng tinh chất sữa non làm trắng da. Bạn Thùy Linh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) nghe bạn bè đồn đại đã mua sữa non cô đặc về dùng. Mấy ngày đầu, thấy da có vẻ trắng hơn nhưng sang ngày thứ 5, Linh bỗng thấy da mình nổi mẩn, ngứa rát, các mụn nước mọc ngày càng dày rồi thâm đỏ lại. Linh phải vội tới Bệnh viện Da liễu Hà Nội nhờ bác sĩ cứu lấy làn da. Đến viện, Linh đã gặp không ít chị em cùng chung cảnh ngộ và giờ đây chính họ là những người lên mạng internet chia sẻ và cảnh báo bạn bè nên tránh xa loại mỹ phẩm rẻ tiền gây hậu quả khôn lường này. Chị Phương Chi (Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Nghe theo quảng cáo, tôi mua lọ sữa non kích trắng của Pháp về dùng nhưng sau một tuần, thấy da có dấu hiệu bong vảy, mẩn ngứa khó chịu quá phải dừng. Mặc dù trên bao bì ghi sản phẩm không gây lột và bong tróc da…”. Chị Khánh Chi (Bồ Đề, Long Biên) lại thẳng thắn: “Mình sinh em bé thiếu tháng, bác sĩ tư vấn nên mua sữa non cho bé uống để tăng sức đề kháng, mình mua loại sữa non dạng nước của Đức lọ 125ml với giá hơn 1 triệu đồng/lọ. Vậy mà sữa non cô đặc lọ to tướng giá lại chỉ 160.000 đồng? Các bạn nghĩ gì mà tin vào mấy lời quảng cáo rẻ tiền như vậy?”. Chị Phạm Trần Mỹ An, chuyên viên thẩm mỹ và chăm sóc da mặt tại một thẩm mỹ viện ở Hà Nội thì khẳng định, tất cả các hóa mỹ phẩm được quảng cáo có công dụng làm trắng da tức thì, siêu tốc, giá rẻ phần lớn đều chứa chất tẩy và corticoid, có thể gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới không chỉ làn da mà còn sức khỏe của người sử dụng. Chị thường khuyên khách hàng của mình nên có những lựa chọn tỉnh táo để tránh những sai lầm đáng tiếc trong việc làm đẹp. Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu thì sữa non có thành phần chính là axit lactic, khi tắm sữa sẽ làm da có hiện tượng bong tróc, tuy nhiên, bong tróc da tự nhiên từ sữa khá nhẹ. Nhưng một số sản phẩm sữa non kích trắng trôi nổi trên thị trường muốn đạt hiệu quả nhanh đã sử dụng AHA với nồng độ cao làm cho da bong mạnh và bị yếu đi. Bên cạnh đó, sản phẩm lại không có tác dụng chống nắng, chống lại các tia UVA-UVB nên khi da yếu nếu sớm tiếp xúc với ánh nắng và môi trường ô nhiễm sẽ dễ bị nhiễm trùng. TS.BS. Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Da liễu Hà Nội cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng những sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi, không được kiểm định trên thị trường để tránh những ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe. Nếu bản thân người dùng không nắm rõ được nguồn gốc, xuất xứ, thành phần của sản phẩm thì làm sao có thể tin tưởng sử dụng nó cho cơ thể mình? Như vậy chính là sự dại dột mất tiền mua… bệnh vào thân!
Tác hại của thuốc làm trắng da
(Làm Đẹp) – Những biến chứng không mong muốn từ việc sử dụng hóa chất làm trắng da có thể dẫn đến sạm da, sốc, bỏng, mất nước, thậm chí để lại sẹo xấu.. |
Nguồn: Trần Trung Việt – Nguyễn Thái Hòa (SKĐS)/Theo Khỏe & Đẹp
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.