Nhằm giúp các bậc phụ huynh có con nhỏ khỏi phải mắc công thăm chừng thay tã cho “cục cưng” nhiều lần, các nhà khoa học tại Đại học Tokyo (Nhật bản) đã phát triển một hệ thống cảm biến hữu cơ dùng 1 lần đầu tiên trên thế giới đặt bên trong tã lót, có khả năng báo cho người trông trẻ biết mỗi khi tã ướt và cần thay mới.
Giáo sư Someya bên sản phẩm tã lót “thông minh”
Khác với các cảm biến y tế thông thường (sử dụng silicon và các chất liệu tương đối cứng gây cảm giác không thoải mái cho người sử dụng), hệ thống cảm biến mới sử dụng các vật liệu hữu cơ và được in bằng công nghệ in phun. Trong đó, phần vi mạch mềm dẻo được in trên một tấm phim nhựa, bộ phận truyền thông tin và nhận năng lượng qua mạng không dây, với chi phí sản xuất chỉ vài yen.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Takao Someya, cho biết loại tã thông minh nguyên mẫu có khả năng theo dõi tình trạng ẩm ướt, áp lực, nhiệt độ và các hiện tượng khác là tác nhân gây ra thay đổi trong điện trở. Nhưng tới đây, nhóm của ông sẽ tìm cách điều chỉnh để giúp hệ thống giảm mức độ tiêu thụ điện của nó trước khi tung ra thị trường.
Không chỉ áp dụng cho tã em bé, hệ thống cảm biến mềm dẻo này cũng có thể tích hợp vào tã người lớn, dành cho những người mất khả năng kiểm soát tiểu tiện và người cao tuổi, giúp giảm bớt gánh nặng cho bác sĩ hoặc điều dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân. Sản phẩm này dự kiến sẽ bán rất chạy tại Nhật, nơi mà dân số già ngày một gia tăng.
Theo Báo Cần Thơ, AFP